
Tuyền có quá nhiều điều kiện như một cậu ấm rất dễ hư. Con út trong một gia đình khá giả, anh chị đều trưởng thành, nên thuở nhỏ Tuyền tham gia hầu hết trò chơi của con nít, không thiếu mặt bất cứ môn gì, đánh bi, đá kiện, nuôi cá, thả diều, môn gì cũng rành rẽ, thậm chí còn chơi đá gà là môn chỉ dành cho người lớn. Tưởng như vậy là sẽ ngang ngược và lêu lổng lắm, trái lại Tuyền lại là người hết sức hiền lành, chưa bao giờ thấy giận ai, lúc nào cũng nhỏ nhẹ, dường như có chút rụt rè thiếu tự tin. Học hết tiểu học với nhau rồi sau khi lên trung học nhà không còn ở gần nhau nên cũng không biết Tuyền học ở đâu, thời gian đệ nhất cấp hầu như không gặp nhau, chỉ nghe học ở Đà Nẵng. Mãi đến khi lên đệ Tam thì bắt đầu gặp lại nhau mỗi lần Tuyền ra Huế cuối tuần hay nghỉ hè, từ đó mới thật thân nhau, sau đó thỉnh thoảng mình lại vào Đà Nẵng thăm Tuyền.
Tuyền cũng như tất cả anh chị em trong nhà có khiếu hội hoạ, âm nhạc, thích ca hát. Có điều kiện và quý nghệ sĩ nên nhà treo rất nhiều tranh của các họa sĩ nổi tiếng ở Huế và Đà nẵng .Tuyền hát khá hay, bà chị kế, một thiếu nữ xuân sắc mà mình phải gọi là mụ Chi hát thật hay, nghe Kim Chi cất tiếng hát bài Những ngày thơ mộng, “tìm đâu những ngày thơ ấu xưa…” là mình đã thấy lòng man mác cho dù lúc đó chưa phải là tuổi phải than thở “tìm đâu”, đâu biết rằng giờ thì muốn tìm đâu thì không biết ở đâu mà tìm. Dạo đó mình được sở hữu nguyên căn gác có cửa sổ nhìn ra giòng sông nhỏ, nơi đây thường có bạn bè tụ họp với tất cả những bốc đồng, nghịch ngợm, văn nghệ của tuổi trẻ. Rất nhiều lần cùng Tuyền và bạn bè của cả hai đứa ngồi ca hát,chuyện trò trên căn gác nầy như Nguyễn văn Đoàn có lần kể lại. Tuyền đặc biệt chơi ghi ta bằng tay trái, ngược ngạo nhưng thấy hay hay, hát nhạc rất chọn lọc, nghe Tuyền hát Ru ta ngậm ngùi mới thấy cái da diết của một chàng trai hình như đang yêu, Như cánh vạc bay với cái nhớ nhung triền miên, những bản nhạc buồn mà không lụy, không nghe kể nên cũng không biết hồi đó Tuyền yêu ai, mãi sau này mới rõ.Tuyền có giọng hát nhiều nữ tính trái với gương mặt dù còn trẻ đã có nét khắc khổ, hèn chi lận đận một đời.
Mình có nhiều kỷ niệm với Tuyền, không có ảnh hưởng gì của liên hệ bà con với tình bạn ngoài cách xưng hô không thể khác được. Ngoài những kỷ niệm bình thường của tuổi học trò, một kỷ niệm khó quên, có muốn quên cũng không quên được là đêm cuối năm 72 thì Tuyền như mọi năm ra ăn Tết ghé nhà, hai đứa ngồi uống café hút thuốc bên khung cửa nhìn ra giòng sông đang rất yên ổn dưới cơn mưa nhỏ, không thể thiếu giọng tha thiết của Tuyền trong Em đến thăm anh đêm ba mươi, dường như có một nổi buồn muốn thoát ly khỏi tâm trí bằng âm nhạc nên nghe nhiều cảm xúc. Gần đến giao thừa hai đứa ra khỏi nhà lang thang dọc sông Hương và đón giao thừa trên một con đò. Một kỷ niệm đầy tục lụy, có sao đâu, một thuộc tính của con người mà và có tục lụy gì thì cũng tan biến nhanh dưới cái lạnh căm căm, cơn mưa phùn của Huế vào Xuân. Sau năm 75 thì Tuyền đã ở hẳn Huế, hai đứa càng thân hơn và cũng từ lúc đó mới biết được một mối tình lớn của chàng ta và rõ ra là tại sao học ở Đà Nẵng mà cứ ra Huế gần như hàng tuần. Một mối tình mà mình thấy lạ là sao lại có thể dai dẳng đến thế, kéo dài từ thuở ấu thơ, trải qua thêm nhiều thuở của sư tăng trưởng khác nhau mà sao tình vẫn cứ còn. Cùng hiền lành và lý tưởng quá, một mối tình mà cả hai không ai nắm bắt được kịp thời những cảm xúc của đối tượng, bỏ lỡ biết bao cơ hội nên suốt đời cứ trăn trở, nên chi mới có bài Từ nổi nhớ đăng trên Khai Hội, mình tin bài viết chắc cũng là viết cho mối tình nầy.
Từ năm 80 không gặp lại Tuyền, thật ra có nhiều dịp có thể gặp nhau mà không hiểu sao không gặp được. Có một thời có thể lý giải nhưng khó phân tích; dường như có một không khí đặc quánh của bất ổn và bất an đã cản rất nhiều bước chân bạn bè tìm đến nhau, có những bạn bè cùng thành phố,thậm chí chỉ cách một con đường thế mà mãi hằng nhiều năm mới gặp nhau.
Sau 30 năm mới gặp lại Tuyền, lần gặp cũng vội vã và lạ lùng không kém, xuống nhà không gặp, Tuyền đang dự đám cưới , mình liền vội đến Vỹ Dạ xưa để gặp, tiệc cưới đang diễn ra không biết sao, cuối cùng phải nhờ tay MC lên nhắn với Tuyền có mình đang đợi. Một vòng tay ôm nhiệt tình đến ngỡ ngàng và cảm động, chỉ đủ thời gian ngồi uống một chai bia, đủ nhận ra cái hư hao qua thời gian của cả hai rồi mình phải bay vào Sài Gòn về lại Mỹ, Tuyền thì vẫn còn phải dự tiệc cưới nửa chừng; quá ngắn cho một cuộc gặp của bạn bè thân thiết sau 30 năm.
Bây giờ thì không còn như xưa nên không thể tìm cách gì để biện luận cho sự chậm trễ của mình để gặp Tuyền sau 5 ngày ở Huế. Không thể nói vô tình, cũng không phải vô tâm, nhưng không thể tìm ra được, nên chi mới có hối tiếc và tự trách mình đã làm buồn lòng một người bạn quý mến mình biết bao, luôn sống với mình như bát nước đầy. Thôi thì xin nợ một lời xin lỗi đến bạn Tuyền và ôn Tuyền, hứa sẽ trả nợ cho dù là trả dưới vốn.
Ngô ngọc Anh