Chân dung Ngô Kha

Hoàng Phủ Ngọc Tường với “Thế hệ vàng” và Tâm thức Huế




BỬU NAM

1
Hoàng Phủ Ngọc Tường thuộc “Thế hệ vàng” của văn chương nghệ thuật Huế hậu bán thế kỷ XX gắn bó với những tên tuổi có tiếng như Trịnh Công Sơn (trong ca khúc phản chiến và tình ca), Đinh Cường (trong hội họa vừa biểu hiện vừa trừu tượng lãng mạn), Bửu Ý (trong dịch thuật và tạp bút), Ngô Kha (trong thơ siêu thực), và về sau, Bửu Chỉ (trong tranh bút sắt và tranh sơn dầu đậm chất biểu tượng triết lý)... Đó là một thế hệ tài năng, tài hoa, làm rạng rỡ tên tuổi xứ Huế, với những tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng hàng đầu, còn tồn tại lâu dài với thời gian và có chất gây men, tạo cảm hứng hoặc có sức lan tỏa cho các thế hệ tiếp nối. Đặc biệt ở họ gắn kết một tình bạn nghệ sĩ hiếm có, thủy chung qua mọi biến thiên dâu bể của thời cuộc, mọi bất trắc của cuộc đời và mọi phản trắc của lòng người, và cũng với rất nhiều thương yêu, khoan dung và từ bi cho nhau.

Họ đều thích lãng du rong chơi và thích kết giao với giới giang hồ nghệ sĩ, trọng bạn và quý bạn, và hơn hết họ ao ước cống hiến đời mình cho văn học nghệ thuật, đi tìm những con đường mới, lạ cho lĩnh vực sáng tạo này, mỗi người theo một cách thế tùy cái tạng cái tính nghệ sĩ, sự chọn lựa nghệ thuật của mình.

Nhưng bên cạnh đó, họ thuộc thế hệ của một cuộc chiến tranh khốc liệt và đẫm máu nhất trong lịch sử dân tộc mà vinh quang hay cay đắng, hào hùng hay bi thương tùy quan điểm đứng phía bên này hay bên kia nhìn nhận. Là những nghệ sĩ có trái tim nhạy cảm với thời cuộc, với tình tự dân tộc thẳm sâu trong tâm hồn, họ đều thể hiện lòng yêu thương quê hương, đất nước, nhân dân mình như một điểm chung, tuy vậy họ biểu lộ bằng những phản ứng và thái độ khác nhau, với những cường độ, sắc thái, chiều kích không giống nhau.

Mỗi người trong họ là một thực thể phức tạp, với những mâu thuẫn, những nghịch lý, những đối cực. Vừa hết sức cô đơn, nhưng lại vừa muốn gắn kết đời mình với bạn bè, tha nhân, đồng loại. Vừa hết sức bi quan, âu lo, ưu phiền với tháng ngày thênh thang nhưng mệt mỏi, nhàm chán, nhưng cũng vừa ham sống, yêu đời thiết tha, nâng niu từng sát na cuộc đời. Vừa luôn suy nghĩ, ưu tư về cái chết, về cõi mang mang vô cùng, nhưng cũng từ đó bật lên những tia sáng hy vọng cho đời sống. Cô đơn và tình bạn, tình yêu, đất nước và phận người, mối quan hệ giữa con người công dân, con người nhân bản và con người nghệ sĩ hình như đôi lúc giằng xé đớn đau trong tâm hồn và suy nghĩ của họ.

2

Nhóm này chịu nhiều ảnh hưởng của các trào lưu tư tưởng, triết học và nghệ thuật phương Tây như chủ nghĩa hiện sinh, trào lưu siêu thực, chủ nghĩa biểu hiện, chủ nghĩa trừu tượng, phê bình mới, nhạc rock, nhạc blues và thánh ca da đen. Những nhà văn, nhà triết học như Jean-Paul Sartre, Albert Camus, Nichos Kazanzaki cũng có ảnh hưởng ít nhiều đến họ. Bên cạnh đó một thần tượng lãng du tài tử điện ảnh James Dean cũng rất được họ ưa thích. Cuốn tiểu thuyết “Phía Đông vườn địa đàng” của John Steinbeck viết về tình bạn nghệ sĩ lãng du được họ xem là sách gối đầu giường. Tuy vậy, chất triết phương Đông đặc biệt là cảm quan Thiền và triết lý “dịch biến” của Kinh Dịch cũng thấm được trong sáng tác của họ. Truyện và ngôn ngữ kiếm hiệp Kim Dung với Cô gái Đồ Long, Ỷ Thiên kiếm, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp, Tiếu ngạo giang hồ rất được họ ưa thích và đôi khi trở thành một số từ ngữ thông dụng của họ. Các văn nghệ sĩ này chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Pháp, sử dụng tiếng Pháp thành thạo trong đọc, nói, viết. Trịnh Công Sơn và Bửu Ý xuất thân từ chương trình Pháp nên sử dụng ngôn ngữ này gần như tiếng mẹ đẻ.

Toàn bộ các văn nghệ sĩ này đều theo tư tưởng phản chiến, nổi loạn, khước từ, nhưng Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Kha, và sau này Bửu Chỉ, dấn thân, nhập cuộc (engagement) sâu vào phong trào đấu tranh của trí thức, sinh viên khuynh tả đô thị nhiều hơn, từ năm 1963 cho đến trước 1975 tùy người. Riêng Hoàng Phủ Ngọc Tường còn lên chiến khu theo Giải phóng. Trịnh Công Sơn cũng dần dần đi theo xu hướng khuynh tả này trong Ta phải thấy mặt trời, Kinh Việt Nam, nhưng thanh thoát hơn và nghệ sĩ hơn. Đinh Cường và Bửu Ý rút sâu vào thế giới văn chương và nghệ thuật hội họa.

3

Các văn nghệ sĩ trong nhóm này có ảnh hưởng và tác động lẫn nhau theo chiều hướng tích cực giữa nhạc, họa, thơ văn, triết lý... Ta thấy rõ chất văn, quý phái của Hoàng Phủ Ngọc Tường thừa hưởng tổng hợp những yếu tố này. Trong ca từ của Trịnh Công Sơn thấm đượm chất thơ và chất triết lý. Ngôn ngữ siêu thực khảm sâu trong thơ của Ngô Kha và ca từ Trịnh Công Sơn. Trịnh Công Sơn sau này lại rất thích vẽ và vẽ rất đẹp, tranh của ông như tranh một họa sĩ thực thụ. Ông lại viết tùy bút hoặc tạp văn rất hay với những hình ảnh và cách so sánh lạ, nhưng cũng thấm đượm chất triết lý. Đinh Cường lại làm rất nhiều thơ, thơ đầy chất trữ tình sâu lắng và lãng mạn, và có nhiều bài rất hay. Bửu Ý và Hoàng Phủ Ngọc Tường rất am hiểu âm nhạc, hội họa, điêu khắc, họ viết các bài tựa rất hay cho các tập nhạc Trịnh Công Sơn, viết những brochure đặc sắc với chữ nghĩa điêu luyện đầy ma lực cho các cuộc triển lãm tranh Đinh Cường, hoặc Bửu Chỉ, hoặc cả Đinh Cường, Bửu Chỉ, Trịnh Công Sơn. Họ cũng viết rất sâu về thơ Ngô Kha và con người Ngô Kha. Cả Hoàng Phủ Ngọc tường và Bửu Ý đều viết rất nhiều bài về con người và ca khúc của Trịnh Công Sơn. Tập bút ký văn hóa “Trịnh Công Sơn – Cây đàn lya và Hoàng tử bé” của Hoàng Phủ Ngọc Tường cuốn hút, chinh phục được lòng hâm mộ của giới mê nhạc Trịnh. Tập chuyên khảo “Trịnh Công Sơn – một nhạc sĩ thiên tài” của Bửu Ý nghiên cứu rất sâu về con người và âm nhạc của nhạc sĩ nổi tiếng này. Bửu Chỉ lại viết về nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn rất thông tuệ và đầy hấp lực. Hoàng Phủ Ngọc Tường, Bửu Ý, Ngô Kha, Bửu Chỉ đều có tài ăn nói và có duyên trong trò chuyện, và cũng thích tranh luận. Trịnh Công Sơn và Đinh Cường ít nói, nói từ tốn, nhỏ nhẹ, kiệm lời. Tường, Ý, Kha đều có năng khiếu làm báo và làm báo giỏi. Chỉ có điều Tường, Kha nổi tiếng làm báo tranh đấu, còn Bửu Ý thì rất giỏi làm báo văn nghệ. Sau này, vào năm 1992, Hoàng Phủ Ngọc Tường lại làm tạp chí Cửa Việt rất hay, được cả nước biết tiếng trong 17 số liền.

Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường và Bửu Chỉ luôn luôn trăn trở với song luận nghệ sĩ và cách mạng, trong khi đó Trịnh Công Sơn cũng có chú ý nhưng xem nhẹ hơn. Còn Bửu Ý và Đinh Cường tuyệt nhiên không băn khoăn về song luận đó.

4

Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng đã viết hàng loạt bút ký về nhóm bạn này với nhiều thể tài khác nhau, khi thì thiên về truyện ký tự thuật trong “Như con sông từ nguồn ra biển”, khi thì thiên về hồi ký như “Căn nhà của những gã lang thang”, “Tuyệt tình cốc”, “Đà Lạt-Noel 1965 và Đinh Cường”, “Một thời làm báo”.

“Căn nhà của những gã lang thang” gợi lên một tình bạn nghệ sĩ của tuổi trẻ tài hoa, thật thơ mộng, thật lãng mạn như trong tiểu thuyết “Phía Đông vườn địa đàng”, với những cuộc dạo chơi lang thang trong đêm của Huế bát ngát, mênh mông đầy mùi hương hoa với những sẻ chia từ những ca khúc của Sơn, với tiếng đại bác đêm đêm vọng về thành phố, những bức tranh lạ lùng như bức “Cầu say” của Cường, những câu thơ về nỗi buồn gỗ đá và sự hồi sinh những con tàu của Kha, với những suy tư triết lý về thân phận con người của Tường, và đặc biệt có thêm sự xuất hiện của anh Đỗ tức Đỗ Long Vân, nhà phê bình sớm vận dụng thuyết cơ cấu để giải mã tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung và Nguồn nước ẩn Hồ xuân Hương, người mà Bùi Giáng gọi là nhà biên khảo thơ hơn cả thơ. Mà tình bạn thật đẹp đó cũng thật bi thảm vì đó là tuổi của chiến tranh. Đêm đó anh Đỗ và Sơn chuẩn bị cho ngày mai bị gọi đi quân dịch. Chi tiết anh Đỗ ngủ say trên cỏ, Kha nhặt những cánh phượng vĩ đỏ thắm rải chung quanh người anh để khi anh tỉnh dậy có một hình người bằng hoa đỏ thắm màu máu trên cỏ xanh như biểu tượng cho sự thơ mộng bất tử bi thương của tuổi chiến tranh. Đó là một thiên bút ký bất tử hóa tình bạn nghệ sĩ một thời, cũng là thiên bút ký làm bất tử hóa căn nhà ở đường Nguyễn Trường Tộ, mà nơi đó trong hơn hai mươi năm Sơn đã viết hầu hết những ca khúc làm mê đắm lòng người nhiều thế hệ và cũng ở đó một gã lang thang khác là Tường cũng trong hơn hai mươi năm đã viết hàng chục thiên bút ký đẹp lộng lẫy của đời mình. Căn nhà đó đã ghi dấu tình bạn bất diệt của Sơn-Tường, hai gã nghệ sĩ lang thang trong cõi tạm trần gian để đi tìm vẻ đẹp mong manh của những đóa phù dung cuộc sống. Trong trang nhật ký ba mươi tuổi của mình vào năm 1969, Sơn đã nhớ thương da diết thằng bạn thân là Tường, thằng bạn có thói quen trong bữa tiệc sinh nhật bạn bè uống rượu chúc mừng xong là quăng ly xuống sông, xuống biển xuống đèo, thằng bạn mà năm Sơn mới 26 tuổi đã giới thiệu với Thế Uyên, với giọng tiên tri, đây là kẻ sẽ nổi tiếng hơn tất cả mọi chúng ta, tên tuổi của y sẽ còn ở trong lòng người thật. Và sau này Sơn đã vẽ một chân dung của Tường ngưng đọng bất tử ở tuổi 20 trong dáng vẻ của một con người nghệ sĩ đầy tinh tế dịu dàng, đầy thương yêu với bạn. Cường cũng vẽ một chân dung màu về Tường với khuôn mặt hết sức hiền hậu đầy trầm tư mơ mộng (và cũng vẽ một chân dung về Kha như một Rimbaud ưu sầu linh giác khi sáng tác Ngụ ngôn người đãng trí, trường ca có lẽ lớn nhất của nền thơ ca siêu thực Việt Nam). Khi nhớ tới Sơn-Tường, người ta sẽ nhớ tới lời của Lê Đức Dục, “… tôi không biết mình mê nhạc của họ Trịnh hay những trang văn của anh Tường hơn. Dường như có một nỗi mê đắm dẫn dụ tôi đi trong mịt mùng của nhạc và văn ấy”, hoặc nói như Nguyễn Trọng Tạo, “mỗi khi nhớ Huế thì thèm đọc một trang văn đẹp sang trọng của Tường hoặc hát vu vơ một tình khúc thơ mộng của Sơn”.

Bởi chính trong ca khúc của Sơn cũng như trong văn của Tường, ta bắt gặp tâm hồn sâu thẳm của Huế. Cao Huy Thuần, Trần Hạ Tháp, chính tôi và nhiều người khác đã từng chứng minh tâm thức Huế, chất Huế trong ca khúc của họ Trịnh. Phạm Xuân Nguyên, Đặng Nhật Minh, Trần Thùy Mai, Tô Hoài, Bùi Bình Thi cũng đã nhận thấy thiên nhiên Huế, cảnh quan Huế, tình Huế và cả tư tưởng Huế, con người Huế, chất Huế, đầy chiều sâu nhân bản ẩn trong những thiên bút ký hay nhất của họ Hoàng Phủ.

Cho hay như những nghệ sĩ đích thực họ hấp thụ linh khí của đất trời xứ Huế và như những con yến huyết, họ lấy tinh huyết của đời mình để nhả ra những trang văn, những ca khúc lộng lẫy bụi trần để làm đẹp cho nơi đã sinh ra, nuôi dưỡng mình, cho mình giấc mơ sáng tạo, cho mình cảm hứng và chắp cánh cho tài năng của mình.

5

Đôi lúc tôi có cảm tưởng như Hoàng Phủ Ngọc Tường muốn tạo dựng một huyền thoại thật đẹp về tình bạn nghệ sĩ qua sự nhiễu nhương cuộc thế trần gian như một cõi tạm phù hư.

Trong tập Tinh tuyển bút ký hay nhất của đời viết ký của đời mình, có tên “Ai đã đặt tên cho dòng sông” (2010), ông đã chọn 13 bút ký, nghĩa là một nửa tập sách, liên quan đến Trinh Công Sơn và nhóm bạn này. Điều đó chứng tỏ rằng ông rất coi trọng tình bạn, những kỷ niệm đẹp của một thời tuổi trẻ lãng mạn và mơ mộng nhưng không kém phần trầm tư sâu lắng của mình. Đặc biệt ông viết nhiều về Trịnh Công Sơn, người mà ông hết lòng thương mến và cả ngưỡng mộ.

Có lẽ trong vô thức của ông, Trịnh Công Sơn và thế giới ca khúc của Sơn chứa đựng bản ngã thứ hai sâu thẳm của chính ông, bản ngã mà ông mong muốn tìm thấy qua lưu lạc của bể dâu thời cuộc và sự tan vỡ ảo mộng về một giấc mơ đời hư ảo.

Có lần người ta khuyên ông nên viết hồi ký. Ông cười và trả lời: “Toàn bộ các bút ký của tôi đều là hồi ký”. Cách trả lời ỡm ờ của ông không phải là không có phần có lý.

6

Có thể xem thiên bút ký “Như con sông từ nguồn ra bể” là tác phẩm khởi đầu thật sự cho văn nghiệp viết thể loại này của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ông đã đặt nó trang trọng mở đầu cho tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường thứ hai gồm 31 bút ký văn chương và dày 840 trang (Nhà xuất bản Trẻ - Công ty văn hóa Phương Nam, 2002), được tuyển lại từ 9 tập bút ký trước đây của ông. Nhà phê bình Đặng Tiến xem đây là cốt lõi giá trị văn nghiệp của nhà văn.

Bút ký này được hoàn thành vào tháng 8 năm 1971, có nghĩa là hơn 5 năm sau ông rời bỏ thành phố để lên xanh (chiến khu tít những khu núi rừng sâu, phía Tây thành phố), lúc đó ông bị Tướng cảnh sát chế độ Saigon Nguyễn Ngọc Loan (được phe Thiệu Kỳ biệt phái ra) truy lùng. Phong trào ly khai của Phật giáo và phe đòi dân chủ miền Trung khi ấy cũng đã bị dẹp tan.

Trong bút ký gần như một truyện ngắn có tính tự truyện này, ông viết và lấy chất liệu từ một nhóm bạn thân và chính ông, là Giao (Trịnh Công Sơn), Thụy (họa sĩ Đinh Cường), Ngô (nhà thơ Ngô Kha), tôi (HPNT), những người sau này trở thành những tên tuổi có tiếng của nền văn học nghệ thuật Huế và Việt Nam mà người lẫy lừng nhất là Trinh Công Sơn. Dĩ nhiên HPNT có hư cấu thêm bớt chỗ này chỗ kia cho phù hợp với loại văn chương có tính chiến đấu của vùng giải phóng với quan điểm lập trường rõ ràng và sự lạc quan nhất định của người viết. Hình tượng trung tâm là Giao, được khắc họa sự chuyển biến một cách sinh động và thành công, từ một nhạc sĩ phản chiến, sáng tác những ca khúc điệu blues thật buồn, chất đầy những ý nghĩ ảm đạm về quê hương và chiến tranh, tuổi trẻ và tình yêu, thường phảng phất hình ảnh những người bạn Giao đã chết, những người con gái còn lại một mình đã mất trí nhớ, đi lang thang trong cơn mưa bão, gọi tên người yêu bằng hai tiếng Việt Nam… đến một hình ảnh Giao dấn thân “hát cho đồng bào tôi nghe” với vòm miệng mở rộng vẽ thành những đường nét gân guốc trên khuôn mặt, hai bàn tay xòe ra phía trước, hình như Giao đang cố gắng hát thật to, thật khỏe, cái dáng đứng ấy là một nét mới ở con người Giao, trước đây Giao chỉ hát một mình, hoặc cho một người nghe thường là một cô gái”… và gắn kết với sự chuyển biến của một nhóm. Nhân vật tôi cố gắng thu nhỏ mình lại trong một cuộc sống khổ hạnh để cắm đầu trên những trang sách đầy nỗi lo âu về cái chết, mặc dầu tôi vẫn sống yên ổn, cái chết chưa hề đe dọa gì đến tôi. Thụy thức từng đêm trước khung vải để tạo hình mặt đất nứt nẻ của một thuở hồng hoang nào đó… phải mưa đến một triệu năm mới đủ ướt. Ngô làm thơ về gỗ, đá, chim sẻ, và những bầy ngựa hoang… còn Giao thì cắm cúi viết những bài thánh ca da vàng cho một quê hương nào đã mất. Sau đó, tôi gặp Phương, một người bạn học cũ đã thoát ly trở vể thức ngộ cho mình, tôi bỏ ra vùng giải phóng. Ngô là người thức ngộ thứ hai đã cùng sinh viên tổ chức một cuộc biểu tình thầm lặng với một chiếc pa-nô thật lớn do Bửu Chỉ vẽ tố cáo tội ác chiến tranh, đã đưa Thụy và Giao cùng dấn thân vào đấy. Họ đã nhập vào đại cuộc đấu tranh cho hòa bình và thống nhất, chấm dứt chiến tranh lầm than và thống khổ đối với dân tộc, như con sông sẽ gặp được biển trong chuyến hành trình cam go nhẫn nại của nó. Với cách cấu trúc xử lý biện chứng các lớp thời gian hiện tại/ quá khứ/ hiện tại, cũng như xử lý biện chứng các lớp không gian, cánh rừng chiến khu, thị trấn Bảo (Bảo Lộc, Đơn Dương, Blao), Huế năm 1966 và Huế 1970-71 với bút pháp thật đẹp, sang, ấm áp, đầy chất thơ và chất chiêm nghiệm, suy tư, HPNT đã thể hiện được vẻ đẹp của tình bạn nghệ sĩ trong giấc mơ Việt Nam như among dòng sông đời người chảy từ cội nguồn xuôi về biển ở phương trời xa.

7

Trong một lần phỏng vấn Trịnh Công Sơn, người ta hỏi ông nghĩ sao về hai câu thơ của Nguyễn Du trong truyện Kiều: “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”. Họ Trịnh cười cười và từ tốn đáp: Riêng ông, ông muốn sửa câu thơ sau thành: “Chữ tài, chữ mệnh cũng là bể dâu”.

Đối với họ Trịnh, chỉ có một tấm lòng giữa cuộc thế bể dâu này, mà cũng chỉ để cho gió cuốn đi vì tất cả cũng chỉ là một giấc mơ đời hư ảo .

Hoàng Phủ ngọc Tường cũng là kẻ tri kỷ, tri âm với họ Trịnh khi ông viết trong thiên tuyệt bút của đời mình, “Ngọn núi ảo ảnh”, những lời chiêm nghiệm sau:

“Biển dâu thời tôi sống kéo tới dồn dập đến kinh hoàng. Biển dâu trên thời đại, trên đời dân, trên phận người, trên cây anh đào. Biển dâu cả hoa kia, cỏ này.”

“Chỉ có một cây lau trắng đứng bạt gió trên đỉnh núi bây giờ là tôi.”

Cũng đồng điệu với tâm hồn lặng yên mà đầy bão táp của Nguyễn Trãi khi về lại Côn Sơn, ông viết:

“Nhớ một ngày vắng bom ở hang đá Trường Sơn, thầy tôi thiền sư Thích Đôn Hậu dạy tôi rằng con người là một kẻ Vô Trú ở thế gian.”

“Khi đời không còn nhiệm vụ gì thì nhẹ thênh quay về căn nhà vĩnh hằng của tâm thức giữa lòng vũ trụ xanh biếc.”

Bể dâu đấy, đỉnh núi ấy, cây lau trắng đấy, căn nhà vĩnh hằng của tâm thức ấy, đối với ông còn là among, dòng sông đời người, dòng sông ai đã đặt tên, ông viết trong văn phẩm có lẽ cuối cùng trong đời ông, thiên bút ký “Lời tạ từ của dòng sông” (2012) như sau:

“Như một người chiêm nghiệm trong im lặng và trong khói sương chỉ để giữ lại những nét sâu thẳm của thiên nhiên, từ dưới đáy kinh nghiệm của một người cầm bút, tôi đã không ngần ngại gởi tâm hồn của mình vào tác phẩm, vẽ lại cho đời mình bằng màu nước của dòng sông, nó xanh biếc như một lóe vĩnh hằng trong cảnh vật cố đô.”

Lời đó ông để gió bay đến mai sau cho những ai còn nhớ tới vết chân của con chim hồng trên tuyết trắng, kẻ đã làm vĩnh cửu hóa sông Hương đó, khu vườn hoa trái đó, ngọn núi ảo ảnh mờ sương khói đời người đó, trong những trang viết tinh huyết đời mình.

B.N
(SDB19/12-15)







Hành trình văn chương của Ngô Kha
  
TRẦN HOÀI THƯ


Về trường hợp Ngô Kha, có những ý kiến khác nhau về con người của ông. Phía thân CS, xem Ngô Kha là liệt sĩ hết lời tung hô. Phía bên quốc gia kết án Ngô Kha thân Cộng, theo nhóm Tuyệt Tình Cốc của Hoàng Phủ Ngọc Tường, hết lời nguyền rủa. Còn có ý kiến khác cho là ông có tinh thần dân tộc, chống Cộng, chống việc Mỹ có mặt ở miền Nam, bất mãn trước một xã hội tan rã bấy giờ…
Theo những tin từ internet (dĩ nhiên chúng tôi tham khảo với tất cả sự dè dặt) nhà thơ Ngô Kha bị tù ba lần. Lần đầu vì tham gia tích cực chiến đoàn Nguyễn Đại Thức trong vụ Phật giáo miền Trung và bị giam ở Phú Quốc trong một thời gian ngắn, lần thứ hai vào năm 1972 vì bị nghi ngờ thân Cộng qua những hoạt động thân tả. Lần này được trắng án bởi Tòa án Quân sự Mặt Trận vùng hai. Lần thứ ba do cơ quan an ninh (dân sự) bắt. Cái chết của ông xảy ra vào năm 1973. Nguồn tin cho biết ông bị thủ tiêu. (Chúng tôi lặp lại, chúng tôi đăng với tất cả sự dè dặt).
Tuy nhiên một câu hỏi là Ngô Kha có phải là thiên Cộng hay không.  Tại sao Tòa án Quân sự Mặt Trận vùng hai lại tha bổng ông trong phiên tòa năm 1972 vì không tìm ra chứng cứ chứng tỏ ông là CS?
Chúng tôi không có kết luận. Chỉ có chăng là biết thơ ông thay đổi tùy theo thời gian và không gian của thời đại. Nói nôm na là lịch sử của dân tộc.

Qua những bài thơ chúng tôi sưu tầm được từ thư viện đại học Cornell, chúng tôi nhận thấy thơ ông thay đổi theo hai giai đoạn rõ rệt.
Giai đoạn 1: Thời quân Mỹ chưa có mặt tại miền Nam.
Ngô Kha bị động viên khóa 16 Trừ bị Thủ Đức. Khóa nhập học tháng 6 năm 1963 và ra trường vào năm 1964 lúc chiến tranh bắt đầu sôi động. Và Ngô Kha đã làm bài thơ Mặt Trời Mọc để tặng các bạn sinh viên đồng khóa. Bài thơ này được đăng trên tạp chí Mai, số 40 xuất bản vào năm 1964.
Đây là một bản tuyên ngôn, nói rõ lập trường chống Cộng dứt khoát của ông:
hỡi những người lính Tàu, lính Nhật, lính Mỹ, lính Pháp
những người Cộng Sản
cát bụi công bình mà thương cho số phận tất cả
bởi ai đã chối bỏ chìa khóa mở cửa chốn địa đàng này
nên bây giờ có những lũ người đi vào bằng bạo lực
Ta phải chiến đấu…

MẶT TRỜI MỌC
Tặng các bạn tôi – Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức Khóa 16
1.
Cửa mắt này rộng mở cho thời gian đi qua
người con gái ngày xưa
người con gái hôm nay
tôi không còn nhớ
hay chỉ là mơ hồ
nước mắt nào làm thành chuỗi  ngọc xanh
thế kỷ này nằm bệnh và tôi chờ em đem tiếng hát
lời vu vơ
vẫn là lời vu vơ ấy
cho tôi biết ngày mai mặt trời làm gì
tình yêu em mang làm tôi phiêu du đến chân trời nào đó
tôi không nói gì
dù vẫn còn trên trái đất
và như loài thảo mộc
thèm ăn hương đồng với sương mai
nghĩ đến ngày xưa em làm người yêu lấy hoa dệt áo
nghĩ đến bây giờ người con gái đan áo cho tình nhân bằng nước mắt
thời chinh chiến này
nói chuyện về cái chết của đứa con trai
thản nhiên
lịch sử cũng biết khiêu vũ
mọi người cùng đi điệu valse
mọi người cùng theo điệu twist
chiến tranh nhảy rock

2.
Cho tôi ở lại bộ binh để làm nữ hoàng của chiến trận
buổi mai thức dậy thấy ánh nắng vô tư diễn hành trên các đọt cây
doanh trại đẹp như những vần thơ
Tôi nhớ đến rượu hoàng hoa
mà tủi thương người lính thú
cho tôi làm người lính gác giặc
những chiều đóng quân nghe âm thanh cao vút của rừng thông
lặng chờ tiếng gọi âm thầm tự trong lòng đất huyền bí
hỡi những người lính Tàu, lính Nhật, lính Mỹ, lính Pháp
những người Cộng Sản
cát bụi công bình mà thương cho số phận tất cả
bởi ai đã chối bỏ chìa khóa mở cửa chốn địa đàng này
nên bây giờ có những lũ người đi vào bằng bạo lực
Ta phải chiến đấu
nên ta phải sống bằng sự thức tỉnh và báo động thường trực
chúng ở đây
chúng ở đó
người lính gác giặc phải thức suốt đêm canh
rồi ngày cũng sẽ tàn
đêm không còn nữa
anh lính gác giặc
chúng ta giã từ vị trí bố phòng trở về mái nhà nằm ngủ với chim bồ câu
rồi bình minh đi xem những cây lúa trổ bông – nhắn nhủ cho tất cả mọi người – sự phá sản này làm cho tôi nhiều đêm thức ngủ

3.
Người con gái không hiểu nỗi buồn của người lính chiến
tôi vẫn thèm nói đến câu “hữu thân hữu khổ ”
như lời nguyền rủa chân thành loài người của tôi
như mỗi lần tôi hằng nói
chọn cuộc đời làm ngôi mộ
Hãy vẽ thật huy hoàng trên cái chết
người Ai Cập có Tự tháp
người Hy Lạp có Nhã điển
người Da Đen có thánh ca
Việt Nam có tuẫn tiết
chúng ta hẹn hò bất diệt
như dân tộc Việt Nam bao lần đứng lên
ca dao làm mạch sống
Cách mạng để thành công
đất mẹ xưa vốn gầy
người yêu ta từng khóc
bóng tối dẹp tan
ta ngồi trông mặt trời mọc
ngày mai ngoài đồng cỏ ca hát
mọi người đi hái hoa
chúng mình gọi tên nhau ngày hồi sinh
em mặt trời mọc
và anh Tự-Do.

(Mai, số 40 năm 1964. Trích lại từ Thơ Miền Nam Thời Chiến tập II, Thư Ấn Quán xb, năm 2008)
Giai đoạn hai: Thời kỳ quân đội Mỹ có mặt.
Giai đoạn này, thơ ông hầu hết xuất hiện rất nhiều trên Trình Bày, Đất Nước. Nội dung viết về một xã hội tan rã về mọi mặt, bởi sự có mặt của quân đội đồng minh.
Những bài thơ thuộc loại này được tìm thấy trong Ngụ Ngôn Của Người Đãng Trí v.v…
(quí vị có thể tìm rất nhiều thơ loại này trên internet qua Google)

Xin được chia sẻ cùng bạn đọc để có cái nhìn rõ hơn về con người Ngô Kha.

Nguồn: Trần Hoài Thư Blog

********************************************************************************************************

TẬP SAN KỶ NIỆM NHÀ THƠ NGÔ KHA (2013)


 




NHỮNG BÀI VIẾT ĐƯỢC CHỌN LỌC TRONG TẬP SÁCH NẦY

BỬU Ý- Chấm phá chân dung NGÔ KHA


1. 
Ngô Kha, thi sĩ, vốn trong ngành Luật, là người bạn nói năng hùng hồn, sách hoạch, lại thiên về chính trị. Có anh, câu chuyện dễ hào hứng bốc lửa. Anh còn có năng khiếu đặc biệt về ngôn ngữ, chuộng thơ siêu thực, thích nói tới phong trào siêu thực phương Tây cùng các gương mặt tiêu biểu của phong trào nầy. Anh kết thân với một thi sĩ cùng Vỹ Dạ là Võ Ngoc Trác, được xem là nhà thơ siêu thực đầu tiên của Huế. Cá tính của anh dễ gây ấn tượng với Trịnh Công Sơn cũng như bạn bè khác. Ngô Kha cho xuất bản tập thơ siêu thực của mình năm 1062. Tập thơ không gây tiếng vang vì vẻ mới mẻ, lạ lẫm của nó, nhưng học sinh đã bắt đầu xem anh như thần tượng vì ngoài phong cách thi sĩanh còn là một giáo sư có ảnh hưởng đến học sinh qua bộ môn Công dân và Việt văn với những suy nghĩ yêu nước của mình.(....) Ngoài ra anh đánh giá cao một giáo sư đại học lúc bấy giờ là ông Lê Tuyên, người có một lối phê bình văn học đặc sắc, tỉ mỉ, riêng biệt và một lối sử dụng ngôn từ sáng tạo. Ngô Kha còn theo dõi những sự kiện văn học thế giới, tỏ ra rất hào hứng khi Albert Camus được trao giải Nobel Văn chương năm 1957 để rồi cảm thương cho nhà văn ấy bị tử nạn xe hơi ba năm sau.

Nguồn: "Trịnh Công Sơn - Môt nhạc sĩ thiên tài"(NXB Trẻ 2003)

2.
* Một nhân vật được Ngô Kha ngưỡng mộ đặc biệt là Ché Guevara. Chính anh cũng thích chụp lên đầu mình chiếc mũ bê-rê đen đội lệch và gương mặt anh cũng có nhiều nét trông giống Ché.

*Ngô Kha có một giọng ngâm thơ độc đáo: khúc khắc, nhát gừng, nhả chữ bất ngờ, chõi nhịp.

*Anh dễ thân cận với thanh niên, nhất là giới học sinh và sinh viên, tỏ ra độ lượng, có cảm tình chiêu nạp vớingười trẻ nào có khả năngvăn học nghệ thuật, hay là hiếu học, cầu tiến, tư duy.

*Anh luôn theo dõi và tìm hiểu những chuyển biến về văn học nghệ thuật trên thế giới.

*Ngô Kha là một người trực tính, nói thẳng, nói ngang, khó thỏa hiệp, thường trực bất an, chong chong một nổi khó sống. Giữa vòng bạn bè quen biết, anh là người duy nhất đi từ ngôn ngữ nói sang ngôn ngữ viết không cần phải "sang số". Như thế có nghĩa là trong nói năng anh vẫn cẩn trọng, không nói năng cẩu thả, không buông tuồng, không "giỡn hớt" dung tục. Câu nói, chữ dùng không làm "chói" cho kẻ phàm leo. Thế thì Ngô Kha có bao giờ nói đùa, nói nghịch không? - Vẫn có, có nhiều là đằng khác. Nhưng là những lối đùa nghịch của người làm thơ, của người có tư duy,nên chúng mấp mô trên bờ say tỉnh, chúng được vuốt sắc thành thơ, chúng chạm tới những hung hiểm của lời, tính hai mặt của thị phi, ngộ nhận, cái lung linh lấp lánh của khả thể.

Nguồn: Sách  "Ngô Kha- ngụ ngôn của một thế hệ" (NXB Thuận Hóa 2005)


Hoàng Phủ Ngọc Tường- Như một đời bông hoa


Để nói về một cái gì đó như là một cái nhìn về cuộc đời , với Ngô Kha, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể dùng một từ chính xác hơn từ triết học, ấy là từ mỹ học về cuộc đời. Vâng, bằng cái sống, hành động, bằng cái chết, Kha đã để lại cho ta  ấn tượng về một bông hoa. Tại sao chúng ta không thể nói: Cuộc đời của nhà thơ Ngô Kha là giống như cuộc đời một bông hoa?

Tốt nghiệp ĐH Sư Phạm, vào dạy cấp 3, chỉ phải đứng lớp 13,14 giờ một tuần. Nghề dạy học đối với chúng tôi được xem như một nghề tự do. Chúng tôi thấy mình ở trong một môi trường đầy những thiếu nữ Huế xinh đẹp nổi tiếng và tinh quái. Trước khi vào lớp, theo lời Kha, anh lại có ấn tượng như vừa đi qua một vườn hoa phù dung của Huế: này Lan, này Huệ, này Duyên, này tôi đã khóc, này em mỉm cười (Thơ Ngô Kha).

Thời kỳ nầy, Ngô Kha cho in tập thơ đầu tiên, tập Hoa Cô Độc. Tập thơ nầy dù không được đón nhận nồng nhiệt bởi không khí có phần cổ điển của thơ Huế lúc bấy giờ, nhưng giọng điệu cách tân của những khổ thơ luật cùng với toàn bộ phong cách ấm ức và ý định bức phá, sự chờ đợi một cái gì thay đổi nóng lòng đã làm cho Ngô Kha thành nhà thơ tiên phong của phong trào văn học Huế. Phải nói rằng hình như Ngô Kha được phú cho một thi tài mới mẻ và nhạy bén khiến cho từ đó anh luôn luôn bị cuốn hút vào vần điệu. Với thân pháp nhẹ nhàng đi đứng nhanh nhẹn, môi hồng luôn nở nụ cười thiện cảm, khi đi đầu ngẩng cao như đang nhìn một vật gì ở đằng xa, Ngô Kha tỏ ra rất phù hợp với tạng người viễn mơ, chẳng hề quan tâm đến một thứ danh lợi nào khác. Quả nhiên Kha đã sống ở đời với dáng nhà thơ.

Từ đây chính là vai trò của thơ trong cuộc đời Ngô Kha, mỗi ý nghĩ, mỗi lời nói, mỗi câu vui đùa, mỗi nỗi phiền muộn của Ngô Kha đều được anh ứng tác thành vần điệu. Cái danh từ “hoàng tử của thơ” đã trở thành tiếng gọi đầu lưỡi của học sinh Quốc Học những năm 60 để chỉ thầy Ngô Kha. Và những câu sau đây rút trong tập Hoa Cô Độc có thể xem là tiêu biểu cho giọng thơ Ngô Kha trong giai đoạn này: Xe lên triền dốc mỏi mòn/ Qua truông bạc tóc hãy còn bơ vơ/ Lên cao gió lộng nào ngờ/ Càng xe đổ, chợt tình cờ cô đơn. Thế nhưng cảnh tượng bi thảm của cuộc chiến vẫn từng ngày từng giờ đè nặng lên tâm hồn của Ngô Kha. Hàng ngày những đám tang lính của những sĩ quan cộng hoà đã từng là đồng nghiệp một thời của Ngô Kha vẫn rầm rập đi qua trên đường phố, từng lớp học mà sĩ số cứ vơi đi một vài người suốt mỗi mùa quân dịch. Những đoàn dân quê chạy loạn từ những vùng chiến sự phía bắc vào mà có lần Ngô Kha đã thấy bằng chính tận mắt một bà mẹ Hải Lăng ì ạch vác trên vai một quả bí để thay thế tiền sống trong một vài ngày bởi tài sản của bà lúc bấy giờ chẳng có gì ngoài quả bí.

Theo tôi nhớ, chính quyền SG đã bắt Ngô Kha tất cả bốn lần; tôi vinh dự được dính líu một chút. Ngô Kha bị bắt lần đầu tiên do vụ Quán bạn, một hiệu cà phê sinh viên, kinh doanh bởi một nhóm trí thức “ham chơi” và trong tổ chức nầy có một vài sinh viên thuộc thành đoàn Huế - Ngô Kha bị nghi ngờ là thế. Tôi tự ý lên đường vào Đà Nẵng để tìm cách tiếp xúc với viên tướng vùng nhằm đòi tự do cho Ngô Kha. Hai lần bị bắt sao đó Ngô Kha được thả tự do bởi những cuộc đấu tranh của học sinh trường Quốc Học. Và đến lần sau cùng, Ngô Kha bị bắt và bị thủ tiêu luôn.

Ngô Kha đã tồn tại trong lòng thành phố Huế với hai tư cách: một nhà giáo yêu nước và một nhà thơ. ( Bỏ một đoạn ngắn không cần thiết).
Bà thơ cuối, “Mai có hòa bình”, trước khi anh chết một ngày, đã được quay thành bản rô-nê-ô phân phát cho anh em phong trào.

Với văn học. Ngô Kha xuất hiện như một nhà thơ siêu thực của thời đại anh. Dẫu đang thiếu một nhà phê bình để kết luận về đều này, nhưng những bài thơ đã xuất bản cũng đủ chứng tỏ anh là một nhà thơ siêu thực. Tôi còn nhớ như in những câu thơ cuối của trường ca “Ngụ ngôn của người đãng trí”

mà nay
gió cũng tang bồng
nhưng thi sĩ vẫn nằm yên trong nhà tù vĩnh cửu

Người đời đọc thơ anh ngậm ngùi bảo rằng “chính Ngô Kha đã tiên đoán cái chết của mình”. Nói thế cũng không ngoa, người ta thường bảo “sống khôn chết thiêng” mà. Ngô Kha sống mà biết việc mình phải làm là sống khôn. Trong thời buổi đất nước hỗn mang như thế, anh đã làm những cuộc nổi dậy nho nhỏ như thế là người sống khôn, biết rõ sự lý của một người trí thức.

Cuối phòng ngủ của Ngô Kha, còn lại một cái giường bỏ trống. Ở đầu giường phía cuối vườn, trồng một cây dạ hợp toả hương thơm ngát những đêm trăng. Sau ngày Ngô Kha mất, tôi trở về nằm lại trên chiếc giường cũ, nhớ lại từng câu thơ siêu thực của bạn để lại, chợt hiểu rằng cây dạ hợp mang linh hồn của Ngô Kha lan tỏa hương cho đời sau ./.
H.P.N.T
12/2012  



Trần Đình Sơn Cước- “Cây Vả Đơm Bông...”

    
   Nhắc đến những người bạn cùng thời của nhà thơ Ngô Kha, người ta thường  nhớ đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, họa sĩ Đinh Cường, nhà văn Bửu Ý...Tuy nhiên, có một người bạn khác ít được nhắc tới nhưng  họ lại có một tình cảm đặc biệt dành cho nhau. Đó là nhà thơ, dịch giả Diễm Châu.

Họ là những nhà thơ. Họ quen nhau từ trước năm 1975.
Vào những năm chiến tranh trở nên khốc liệt, thơ của họ chỉ xuất hiện trên các tạp chí được gọi là tiến bộ như tạp chí Đất Nước, Trình Bày , Đối Diện.  Những bài thơ đó họ ghi “tặng” hoặc “gửi“ cho nhau.Thường mỗi bài văn, bài thơ khi được viết để tặng hoặc gửi riêng cho ai, thì giữa tác giả và người được tặng hoặc có mối đồng cảm, hoặc có kỷ niệm mà chỉ hai người ấy mới chia xẻ được… Bài thơ “Mùa đông chiến tranh ở Huế” được viết và đăng trên tạp chí Đất Nước năm 1969, Ngô Kha đã đề tặng Diễm Châu:

   “…tôi thấy người vô danh đi trên vỉa hè
        Tìm kiếm kẻ thân yêu trên bảng số
        Khi trời đổ mưa

        Tôi thấy người chị
        Tay cầm cây nhang
        Với vầng mây cô đơn trải làm khăn chế…


Đối lại, nhà thơ Diễm Châu mỗi lần ra Huế dạy tại Đại họcVăn Khoa đều ghé lại căn gác của nhà thơ Ngô Kha ở tại số 42 Bạch Đằng hoặc xuống tận nhà của nhà thơ ở Thế Lại Thượng vừa  thăm, vừa trò chuyện văn chương, thế sự cùng anh và một số bạn bè…Chính nơi ngôi nhà xưa cũ và khu vườn âm u này đã là cảm hứng của bài thơ “Như Một Đường Dây Hút Gió” cũng đăng trên tạpchí Đất Nước, cũng năm 1969 với lời ghi “gửi Ngô Kha”:
      
            “...tôi trở về để nhìn tôi thiêu thân
            Và nhìn em đội vòng gai hận thù rướm máu      
            Những ngọn đuốc năm xưa thắp màu hỏa hoàng lên áo ấy...”


Ở bài thơ nầy Diễm Châu có câu: “ em lặng lờ như tiếng hát, trong khu vườn cây vả cũng đơm bông.”Theo Diễm Châu, chính vì hạt sạn nầy, khi đăng lên, Ngô Kha nói cho Diễm Châu biết “cây vả đằng nhà không có hoa.” “Ấy chính là lý do...",Diễm Châu đáp ". Một vài anh em văn nghệ thân thiết với cả hai nhà thơ thường đem câu chuyện vui nhỏ nầy ra trêu chọc Diễm Châu.

Họ quý mến tài của nhau. Nhưng rồi họ sớm mất nhau.
Như đã biết, nhà thơ Ngô Kha đã bị công an cảnh sát tỉnh Thừa Thiên và thành phố Huế lúc bấy giờ (1973) bắt và thủ tiêu mất tích. Nhà thơ Diễm Châu, sau 1975, theo lời kể của nhà nghiên cứu Lữ Phương, nguyên là Thứ  Trưởng Bộ Thông Tin thuộc Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cọng Hòa Miền Nam Việt Nam “... cuối cùng thì Đứng Dậy  đóng cửa, Tin Sáng “hoàn thành nhiệm vụ” . Nhiều anh em chúng tôi phân tán đi kiếm ăn linh tinh. Lúc này, anh (NguyễnNgọcLan) đã hoàn tục, lập gia đình, cũng tập tễnh làm ăn bằng một nghề mới học: bán đồ gỗ cẩn xa cừ, nghe nói cũng chẳng khấm khá gì. Diễm Châu thất nghiệp, đi bộ lang thang trên đường phố vì mất xe đạp, trông thật nhếch nhác.Trần Tuấn Nhậm đi về miền Tây vượt biên không thoát và chết trong tù.Thế Nguyên mở quán nhậu sau chết vì tetanos. Hoàng Ngọc Biên bán cà phê, tụ họp anh em tán dóc cho vui…”(nguồn: Lữ Phương: Tưởng nhớ một người anh em (diendan.org/.../tuong-nho-nguyen-ngoc...).

Từ đó, họ mất nhau, nhưng luôn nhớ nhau.
Không biết nhà thơ Ngô Kha ở một nơi nào đó ngoài trần thế có còn làm thơ tặng Diễm Châu nữa không, nhưng riêng nhà thơ Diễm Châu trong suốt phần đời lưu vong ở Pháp mỗi khi làm thơ và dịch thơ của các nhà thơ khắp năm châu thì không khi nào quên người bạn thi sĩ tài hoa của mình...

...Vào năm 2005, tuy muộn màng, tôi cũng liên lạc được với nhà thơ Diễm châu.  Qua nhà văn và họa sĩ Hoàng Ngọc Biên, tôi có được địa chỉ e-mail của nhà thơ Diễm Châu. Ngay từ lá thư hồi âm đầu tiên, nhà thơ Diễm Châu đã  nhắc nhớ liền đến tình bạn giữa nhà thơ Ngô Kha và ông. Diễm Châu đánh giá thơ siêu thực của Ngô Kha rất cao. Diễm Châu viết: “...một người tôi không hỏi anh địa chỉ nữa: Ngô Kha. Ngô Kha với tôi có thể coi như bạn thân,mặc dù tôi không được biết gì nhiều về Ngô Kha. Khi giải phóng, tôi còn đeo cái đồng hồ Ngô Kha nhờ tôi sửa, nhưng vì lúc ấy Ngô Kha nằm tù nên tôi không gửi trả được. Thế rồi, trong cảnh náo loạn ở Sài Gòn, tôi bị giật mất cái đồng hồ ấy của anh Ngô Kha ở gần rạp cine Dakao rẽ vào con đường đi song song với đường Mạc Đĩnh Chi. Nhân dịp có đăng nhiều bài thơ của Becerra một nhà thơ trẻ mất vì tai nạn, người Mễ Tây Cơ, tôi có nhắc tới anh Ngô Kha, và để anh em Huế biết, tôi đã viết rằng tôi coi Ngô Kha như một nhà thơ sử dụng lối viết siêu thực hay nhất VN ở cả hai miền (bây giờ miềm Nam không còn hân hạnh được coi như một miền như thời tranh đấu!) Tất cả đăng trên website ở Sidney, Úc. Tôi hy vọng anh em ở Huế nhận ra tôi, một người thân thiết của Ngô Kha. Tôi còn một vài kỷ niệm rất riêng rất yêu dấu với Ngô Kha...” (trích e mail gởi thứ tư, ngày 5 tháng 1 năm 2005 lúc 12:46 trưa,  được chụp lại ở trên).

Tôi đã vào trang nhà cuả Tiền Vệ và đọc được phần lời bạt có đề cập đến điều nhà thơ Diễm Châu đã nhắc. Diễm Châu viết: “ ... Tôi đã trình bày với bạn đọc một số bài dịch của J. C. Becerra trên Tiền Vệ, nhưng mỗi lần quá ít ỏi, không thỏa mãn nhu cầu của bạn đọc! Bởi thế lần trước và lần này (là lần chót), tôi xin được giới thiệu toàn thể những bài đã dịch của tác giả nhưng chưa đăng, hy vọng không quá lạm dụng lòng tốt của các nhà biên tập Tiền Vệ. J. C. Becerra khiến tôi nhớ đến một người bạn cũ ở Huế, người đã sử dụng những hình ảnh siêu thực trong thơ, theo thiển ý tôi, hay hơn tất cả các nhà thơ Việt-nam từ trước tới 1975 ở cả hai miền. Bởi thế mà có lời tưởng niệm trên đây...” (Diễm Châu).

Nay thì hai người bạn chắc đã gặp nhau ở một nơi nào đó ngoài cõi nhân gian. (1) Biết đâu chừng, vì tình bạn văn chương của họ mà cây vả nơi xứ ấy lại “đơm bông”...

Trần Đình Sơn Cước
(1-2013)
_____________________________________________________________________________
(1)Nhà thơ, dịch giả Diễm Châu, tên thật là PhạmVăn Rao, sinh năm 1937 tại thành phố Hải Phòng. Tổng Thư Ký tạp chí Trình Bày ở Sài Gòn trước năm 1975. Ông cùng gia đình rời Việt Nam và định cư ở Pháp năm 1983.  Ông mất ngày 28 tháng 12 năm 2006 tại Strasbourg, thường được ông gọi là Lộ Trấn, Pháp. Hầu hết tác phẩm của ông được đăng và công bố trên trang nhà TiềnVệ ở Úc, trong số đó có hai tập thơ :Mười bài ở Paris & những mảnh rời, và Việt Nam, Tổ Quốc Và Em. Ngoài ra, ông đã giới thiệu hàng trăm tác giả quốc tế qua hàng ngàn bản dịch Việt văn. (Dựa theo Lời chia buồn“ Vĩnh biệt nhà thơ/ dịch giả Diễm Châu” đăng trên trang nhà TiềnVệ).



(2)Ghi chú thêm về chiếc đồng hồ của nhà thơ Ngô Kha:
Sau khi bài viết trên được gởi đi, trong cuộc trò chuyện bằng điện thoại với nhà văn và họa sĩ Hoàng Ngọc Biên ở San Jose, California, Mỹ trưa thứ năm ngày 17 tháng 1 năm 2013,anh Biên cho biết là anh còn giữ tấm ảnh có nhà thơ Diễm Châu tay còn đeo chiếc đồng hồ của nhà thơ Ngô Kha. Anh đã sốt sắng lục tìm trong kho lưu trữ ảnh của anh trên máy vi tính và gởi cho  tôi.

Bức ảnh trên được chụp tại nhà riêng của nhà văn Hoàng Ngọc Biên, trong một ngõ hẻm đường Trương Minh Giảng, Sài Gòn trước năm 1975. Trong ảnh, nhà thơ Diễm Châu là người đứng phía sau, bên trái. Có thể nhìn rõ được chiếc đồng hồ Diễm Châu đang mang ở tay trái. Đó là chiếc đồng hồ của nhà thơ Ngô Kha nhờ Diễm Châu sửa nhưng không bao giờ có cơ hội trả lại cho chính chủ nhân.Câu chuyện về chiếc đồng hồ bị giật được nhà văn Hoàng Ngọc Biên hóm hỉnh kể lại : “ Cái đồng hồ đeo trên tay Diễm Châu là của Ngô Kha. Sau 75, một lần Diễm Châu đang đạp xe trên miệt Đa Kao, tận hưởng không khí “ sạch bóng quân thù”, thì bị một “ con người mới ” đi xe gắn máy hớt ngang cái kỷ niệm duy nhất của người bạn của “ nhà nghiên cứu” LiênThành.”
(Trong ảnh: cùng đứng phía sau với nhà thơ Diễm Châu là Yoshiharu Hasegawa, bạn của nhà văn Hoàng Ngọc Biên và Diễm Châu. Hàng ngồi phía trước là vợ chồng nhà văn Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Thu Hồng và hai con trai Tân Nhân,Tân Dân).