KÝ ỨC TẢN MẠN CHUYẾN VỀ THĂM HUẾ 2002

Ba ngày, chỉ có ba ngày để về thăm Huế.
Máy bay đáp xuống phi trường Phú Bài, nóng hầm hập, đúng là cái nóng của Huế mùa hạ đây rồi, bất chợt rưng rưng, đã hơn 8 năm rồi chưa về Huế kể từ khi ra ở xứ người.
Về Thuận An thăm bà dì nuôi nấng từ nhỏ, dì đã gần 90, mắt nhòa, chỉ thấy cháu mờ mờ nhân ảnh, khóe mắt ướt, chỉ ướt thôi, một đời lận đận khổ đau còn đâu nước mắt.
Đêm không ngủ được, nghe dì lâm râm đọc kinh cầu an suốt, chỉ cầu cho N.N A  được bình an nơi xứ lạ quê người. Ngày ra biển, bãi biển Thuận An chẳng thay đổi nhiều, nước vẫn xanh, trời vẫn trong, cát vẫn mịn, quán hàng vẫn nghèo nàn như xưa, chắc vì vậy mà khi nằm trên chiếc ghế hóng gió biển cứ như ngày xưa nên thấy lòng khỏe lại.
Về nhà nội, qua đường Bạch Đằng, con đường đẹp hơn xưa, bờ sông được làm kè đá với với hàng quán ăn thuộc khu ẩm thực phục vụ festival, ngôi nhà cũ 42 Bạch Đằng đã biến mất, ngôi nhà cổ kính ngày xưa nơi từng hội tụ biết bao bạn bè tuổi thanh xuân với những đêm thức trắng thơ nhạc rùm trời của một thời mộng mị coi trời bằng vung, với Khiếu, Triết, Đống, Phương, Thuận, Liêu, Bổng, Kỳ....ngôi nhà cũng đã là nơi hội tụ biết bao thi sĩ, nhạc sĩ, văn sĩ của mọi miền. Giờ thì ngôi nhà đã không còn nhưng đừng hòng, nó vẫn còn mãi trong tâm tưởng ta, hy vọng nó cũng vẫn còn trong những ai từng ghé lại.
Nhà nội đây, vườn xưa qua thời cuộc nhỏ lại, không còn là vườn, nhà tiêu điều trống trãi, bàn thờ may thay vẫn còn ấm áp, nhang khói thường xuyên, người Huế vẫn luôn gần gủi với tổ tiên. Đứng lặng nhìn những hình ảnh ông cha chú, vẫn nhớ rõ mồn một thời còn sống. Kiểu này anh hùng nào không khóc huống hồ ta.
Xuống cuồng mồ thăm mộ ông bà nội, ba và Văn. Cuồng mồ dơ dáy không thể tưởng, như một bãi vệ sinh không cách gì vào được, đành đứng ngoài đường nhìn vào mộ vái và khấn thầm: sẽ dời mộ ngay.
Thăm anh V.Q, tình cảm không có gì khác xưa. Hai anh em ngồi uống bia bên bờ sông Hương, tuyệt, uống hoài không say nổi, không bia nào thắng nổi kẻ "qui cố quận" ngồi bên bờ sông quê hương, con sông khiến cho cả kinh thành Paris phải đố kỵ . Gọi Nhiên bạn luật cũ, có chức sắc, nhưng kệ cứ gọi.Nhiên tới ngay, cụng ly bia phán: tối mai tập hợp bạn bè chiêu đãi mi. Nghe có tình có lý. Nhìn xuống sông Hương, hai bên bờ ồn ào và tất bật với lễ hội, nhìn xéo cầu Trường Tiền đèn đóm 7 màu lung linh, đẹp mà lạc lõng khó ưa, duy chỉ có giòng sông cứ lặng lờ, trong vắt và êm đềm, chừng đó "cũng đủ lãng quên đời".
Gặp lại bạn bè Luật khoa Huế xưa, được chiêu đãi, được gặp lại bạn bè sau 25 năm"nghe truyền thanh không thấy truyền hình", thằng da nhăn nheo, thằng đầu hói, thằng tóc bạc phơ, thằng bụng bự, thằng may thay vẫn như xưa, hầu như đã có chức sắc, vẫn thân tình, vui vẻ chọc nhau như trẻ, bia cụng đều như đã được chinh chiến lâu ngày, mi mi tau tau đã đời...cái gì làm được điều này,cái tinh thần trường Luật Huế? cái tình bạn bè lâu không gặp?không hẳn, đây là sự quyến rũ của một hồi ức tuổi hai mươi, tuổi đẹp nhất và vô tư nhất đời người. Tiệc tan, hồi ức tan, ở Huế 9 giờ là về ngủ sớm cho dù đang là mùa lễ hội. Thật ấm ức, vẫn chưa say.
Trên đường lên nhà Nhuận dự lễ khánh thành nhà từ đường hắn bỏ công xây dựng từ xa tận Mỹ, con đường Thuận An-Huế không thay đổi nhiều, chạy ngang qua phủ Tuy Lý Vương thật bồi hồi, đây là nơi ở xưa của chị Tr.A, học trò và rồi là bạn gái của chú, nhớ gương mặt hiền, trắng tươi, đôi mắt một mí, mái tóc dài như bao gái Huế; tiểu thư con cháu Vương xưa, cô giáo ngày xưa, giờ đâu tá.
Ngang qua trường ĐK-QH, giờ là gần trưa, bên bờ sông Hương đang lễ hội đua ghe, mọi ồn ào náo nhiệt dồn về phía bờ sông, con đường giữa hai trường yên ắng. Phải dừng lại lúc này, ghé lề đường mua mấy lon bia, cô gái Huế bán hàng với nụ cười nửa Huế nửa festival bỏ bia lạnh vào túi, thêm một gói thuốc cho chắc ăn, giờ kiếm chổ ngồi, vệ đường giữa hai trường là lí tưởng, ngồi phía QH nhìn sang ĐK dễ tưởng tượng hơn. Lon bia thứ nhất mát mẻ tiêu trừ mệt nhọc, lon thứ hai hưng phấn đã lên, lon thứ ba...đã thấy mờ mờ nhân dáng những bóng hình yêu kiều ĐK ngày xưa,những gương mặt bạn bè một thời "cúp cua" ra ngó gái, mặt búng ra sữa bày đặt ngậm điếu thuốc trên môi....còn nhiều, còn nhiều hình ảnh nữa tất cả cứ chập chờn trong một tâm trạng chưa hề có. Nắng và nóng, phượng mùa hè rực rỡ, vẫn còn thiếu tiếng ve kêu. Một chiếc xe gắn máy chạy qua và rồi tiếng ve rộn rã, và là bắt đầu một cảm xúc thân quen lâu lắm rồi mới gặp lại, nó vượt lên tất cả cảm xúc khác, tiếng ve kêu trong một không gian mùa hạ Huế, con đường phượng bay, ngôi trường ĐK-QH quyện với những ký ức hiện về, lạ lắm lắm, khó lòng diễn tả, chỉ biết rằng tiếng ve kêu như một nét chấm phá cuối cùng cho một bức tranh cảm xúc hoàn hảo.
Chiều đi trên đường Chi Lăng, những căn phố vẫn cổ kính như xưa, con đường nhỏ lại, buồn buồn. Hai quán café ngày xưa vẫn uống với bạn bè đây rồi. Quán Dạ Thảo vẫn còn như cũ nhìn không có gì thay đổi nhìn vào vẫn có khách lưa thưa, quán Sương Lan đã biến mất giờ là một công ty, quán café tuổi trẻ ngày xưa có cô chủ quán xinh xinh , mặt bầu bĩnh, nàng tôn nữ nữ sinh ĐK , từng là một bóng hình đầy trăn trở cho biết bao thanh niên xứ Huế không biết giờ đi đâu.
Khi máy bay cất cánh rời Huế, vẫn chưa, cho đến khi máy bay đã bình ổn, nhìn qua cửa sổ trời xanh trong vắt, tiếng động cơ rì rì buồn buồn lúc đó mới thấy mình đang rời xa những gì mình thương yêu nhất, chợt buồn khủng khiếp, cho đến khi bước chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất nổi buồn vẫn không vơi, bất chợt nhớ một câu thơ Quang Dũng"hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi". Nhưng Huế đâu phải là mạn ngược mà "hồn về Sầm Nứa". Ồ, thôi mà, không biết làm thơ, đã mượn thơ người khác mà bày đặt lý sự.