TRĂNG SÔNG HÀN

Khi nghe người nhạc sĩ tài hoa “gọi tên bốn mùa” thì mình thích gọi tên mùa Hạ nhất, tuổi thanh xuân vui buồn chi cũng vào mùa Hạ với từng cơn mưa là mưa tình một thuở, cứ thì thầm mãi dưới chân ngà của tháp ký ức. Có một ngày lời thì thầm của một mùa Hạ xưa rồi cũng cất tiếng khi tuổi đã vào Thu, khi âm vọng tiếc nuối không còn xôn xao lắm và khi ngại ngần những hệ lụy cũng không còn nữa, duy những hình ảnh thì vẫn như in.

Vào Hạ năm 72,mùa hè đỏ lửa, chiến cuộc khiến dân Huế phải tản cư vào Đà Nẵng. Mình và gia đình tá túc tại nhà ông cậu, nhà chật người đông nên một bà Dì tạm cư ngay trong trường Phan Châu Trinh, để chia xẽ và cũng gần hết năm nên trường đóng cửa đón nhận những người tản cư. Một buổi chiều, mình đến thăm dì tại đó, đang nói chuyện với đứa em cùng trang lứa ngoài hành lang thì một thiếu nữ đi đến cùng mẹ, nhìn trang phục áo quần thẳng nếp là biết chắc là đến thăm người thân ở kế bên. Không đến nổi “hồn xiêu phách tán” nhưng nhìn nàng là người đã đã liêu xiêu, tim nhói mạnh. Không đẹp sắc sảo nhưng xinh, xinh không thể tưởng lại thêm dáng “kiều thơm” nên khiến cái anh chàng ngu ngơ như mình thêm chao đảo tưởng như xong rồi một kiếp. Đã ngu ngơ lại không quen nên không biết làm sao mà làm quen, chỉ liếc trộm mà trộm hoài nên cũng nhiều lần được nhìn lại, có lần còn được một thoáng của nụ cười, nụ cười kiêu hãnh của một nhan sắc biết rõ mình. Chỉ thế thôi duy nhất một lần thôi, mình đã tự dưng đến thăm dì lại nhiều lần khiến dì cũng ngạc nhiên, mà không hề gặp lại. Nhưng cái gương mặt và nhân dáng đó không thể quên được.

Sau độ gần hai tháng, tình hình yên ổn mình trở về Huế chuần bị thi Tú tài bán, một mùa thi gắn liền với một chia tay lớn với bạn bè như một khúc quanh lớn của đời người, gần một nửa bạn bè phải vào lính, một số vào Sư phạm chấp nhận gõ đầu trẻ nhỏ tạm quên đi hoài bảo của mình để lánh đời bom đạn. Rồi là lớp 12 thi Tú tài toàn với lưỡi gươm quân dịch vẫn còn treo lơ lững, một hai thằng bạn chết trận khi tuổi chưa đến hai mươi, chết khi chỉ cách đó 3 tháng về phép vẫn còn ngồi uống café với nhau nhắc đến những người con gái đi theo sau buổi tan trường; rồi là một vài mối tình trãi qua tự nhiên như chuyện hợp tan. Tất cả khiến gương mặt và nhân dáng trong sân trường Phan Châu Trinh ngày nào tuy còn đó nhưng chập chờn, chìm lẫn trong giòng thời cuộc .Và những tưởng đã qua đi.

Khi học luật Huế khoảng giữa năm thứ nhất, một buổi chiều, chắc chắn là một buổi chiều vào Hạ, không có lớp, mình đến Tổng hội sinh viên uống café và tìm bạn chơi cờ tướng như thói quen. Quán đối diện chênh chếch với Đại học Văn khoa, khi đến gần cổng trường Văn khoa thì thấy một thiếu nữ đang đứng trước cổng trường thật dễ thương, nhìn và ngỡ ngàng, một gương mặt quen, trí nhớ còn quá tốt và nhanh nhạy, đây rồi cô gái gặp tại Đà Nẵng cách đây mấy năm, ngu ngơ vẫn còn nhưng ngu dại đã qua, tự nhủ thầm còn không mau, và rất mau tiến tới. Còn nhớ rõ biểu hiện của đôi mắt nàng, trước tiên là ngạc nhiên rồi cười thẹn khi nghe mình hỏi và giải thích lý do. Tất cả hạnh ngộ đến tự nhiên như một sắp đặt mà không hiểu tại sao. Cha Đà Nẵng mẹ Huế sinh trưởng và lớn lên tại Đà Nẵng, tuổi mộng mơ trăng gió cũng gởi trên sông Hàn, sông Hương quê ngoại chỉ là thắng tích. S. có thể nói được hai giọng, khi nói tiếng Huế nghe mềm hơn gái Huế. Nữ sinh một trường giòng, cùng lứa với mình, ra Huế học Văn khoa ban Anh Văn, ở học nhà cậu tại An Lăng, chỉ đạp xe một đường từ nhà đến trường. Ra Huế thăm quê ngoại nhiều lần nhưng chưa biết Huế nhiều, nghe xong là lòng mình “rạng rỡ” liền, muốn biết quê ngoại thì cần biết anh trước, được không. Đừng tưởng “bở”, trước khi được “bị ăn”, con chuột là mình đã phải tập hát bao bản tình ca, không biết làm thơ cũng phải trăn trở bao đêm vật lộn với vần với điệu, làm như thanh niên hồi đó khi yêu không biết thơ và nhạc không phải là người, đôi khi cũng thấy thương thân mình với con mèo mướp xinh, xinh lắm lắm, càng lúc càng xinh.

Một mối tình đẹp thường rơi vào hai thái cực, hoặc thật là trắc trở như trong phim hoặc là thật hanh thông yêu là đi với nhau suốt cuộc đời. Nếu như vậy thì tụi mình có một mối tình bình thường, rất bình thường như bao người khác và khi qua đi thì qua đi không đau đớn. Cũng đưa đón khi tan trường, cũng rong trên phố Huế mỗi cuối tuần để ghé vào những tiệm sách, xuống ăn chè cồn Hến, bún bò mụ Rớt hay chở nhau lang thang trong thành nội dưới cơn mưa lạnh và dai dẵng của mùa Đông xứ Huế. Một vài lần mình ráng thức dậy sớm ngày Chủ Nhật theo S. đi lễ tại nhà thờ Phú Cam. Cái đẹp của bình thường, giản dị chỉ cần được gần nhau là đủ. Có khi đi xa hơn khi hai đứa cùng ngồi trên căn gác nhà mình với cửa sổ nhìn ra giòng sông,cũng có vòng tay cuống quít, có môi hôn nhưng không bao giờ đi quá xa, luôn như trong một chuyện tình của Francois Sagan, tôn trọng luật quyền Anh.

Tình một thuở đã qua đi và qua đi tự nhiên không lường trước với những bước lạnh lùng. Khi đến giữa năm thứ hai thì lận đận đã bắt đầu; thoạt tiên là bạn một người anh vừa ra trường, thành đạt trở về với cô em bạn đã ngấp nghé từ lâu, thời tụi mình vẫn còn là thời giao thoa giữa cũ và mới nhất là ở miền Trung, cũ là cha mẹ vẫn tìm chỗ an toàn cho con gái, mới là thời mà có yêu cỡ nào thì cho dù Romeo có chết thì Juliette có khóc nhưng không bao giờ chết theo. Tiếp theo là vì thời cuộc, lại quá khá giả cha mẹ S. muốn S. chuyển vào Sài gòn học ngay. Ngày chia tay cũng sắp vào mùa Hạ, một Hạ buồn tênh. Rồi thì biến cố lịch sử 75 đã nghiền nát biết bao điều, sá gì một mốt tình con nào đó, cho đến giờ mình cũng chưa hề gặp lại.

Nhớ ngày xưa có một lần S. đọc cho mình nghe câu thơ “Thu là chiều của năm, chiều là Thu của ngày”, và giờ đây tuổi mình là Thu của đời người rồi, chỉ cách một mùa mà một đời đã lặn lội qua biết bao sông. Khi còn yêu, vụng dại những bài thơ tình không thể nhớ hết, mình chỉ còn nhớ mấy câu viết cho S. khi biết rằng nàng sẽ vào Sài Gòn “lòng ta như chiếc lá/ giọt sương đọng đêm qua/ nắng ơi đừng vội vã”. Đừng bao giờ năn nĩ nắng, có năn nĩ gì thì nắng cũng lên, nắng lên không cần vội vã. Và tình cũng tan.