Quê xưa

    Lãng đãng Phước Yên (Quê bà nội con cụ Thượng Cao)

NGÔ THIÊN THU (bút ký)

 Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 13 km, Phước Yên(1) một thời là thủ phủ của chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Ông là con thứ sáu của Nguyễn Hoàng, sinh ngày 28 tháng 7 năm Quí Hợi (16-8-1563).


Tương truyền khi mẹ ông mang thai có vị thần trao tờ giấy đề chữ “Phúc”. Bởi thế ông được đặt tên Nguyễn Phúc Nguyên. Từ đó dòng họ ông mang lấy chữ Nguyễn Phúc. Sau khi lên ngôi chúa, ông cải tổ lại mọi công việc và được dân tin dùng gọi là chúa Sãi. Sau khi Nguyễn Hoàng mất vào năm 1613, theo lời di huấn, ông ra sức củng cố sức mạnh cho mình bằng cách hoàn thiện bộ máy hành chính và quân sự... Năm 1626 ông dời phủ từ Dinh Cát vào đất Phước Yên để lập phủ mới. Mục đích chính cho việc chuyển phủ vào đây là để chuẩn bị thực lực chống quân Trịnh. Song ông cũng gặp nhiều trở ngại trong quá trình gây dựng phủ của mình. Lúc này hai em trai của ông là Nguyễn Phúc Hiệp và Nguyễn Phúc Trạch(2) âm mưu cấu kết với triều đình nhà Lê nhằm tranh đoạt quyền lực. Nguyễn Phúc Nguyên đã nhanh chóng dẹp tan âm mưu này và từ đó quyết chí tách rời với thế lực của Lê Trịnh ở Đàng Ngoài. Ông bãi bỏ hệ thống quan chức triều Lê, chăm lo luyện tập binh mã, phát triển kinh tế, xây dựng quốc phòng, tổ chức vấn đề ngoại giao. Ông quyết tâm xây dựng phát triển Đàng Trong ngày một hoàn thiện hơn. Về đối ngoại, năm 1631 ông gả công chúa Ngọc Khoa cho vua Chiêm là Porome để kết tình hòa hiếu giữa hai nước, đồng thời đẩy lui mọi cuộc khiêu khích của các quốc gia ở phương Nam như Chân Lạp, Ai Lao, Tiêm La… Tính đến ngày chúa Sãi lập phủ Phước Yên, đất Việt Nam đã kéo dài đến Phú Yên và những di dân Việt đầu tiên đã có mặt tại Mô Xoài (gần Bà Rịa ngày nay).

Tôi cùng anh bạn Nguyễn Như Minh lang thang suốt một ngày trong làng Phước Yên. Dòng sông Bồ lặng lẽ phả mát hai  bờ cỏ vắng vẻ, bên kia là làng Dương Sơn và Thanh Lương. Mấy hôm nay làng vào vụ gặt nên dân tập trung ngoài đồng. Dòng sông Bồ đoạn chảy qua làng Phước Yên uốn lượn như bàn chân đại bàng mà chân kia là làng Hương Cần. Đại bàng đang sải cánh hướng về phương Nam. Có lẽ sau này vào kinh lý phương Nam, lúc dừng chân bên dòng sông Hương, thấy Kim Long địa thế rất đẹp nên chúa Sãi đã có một sự chuẩn bị cho một hành trình mới sau này. Vì thế sau khi ông mất, chúa Nguyễn Phúc Lan đã di dời vào phủ mới.

Cổng chào của chùa Phước Yên được thiết kế bằng cây cán giáo trông khá đẹp. Chúng tôi viếng ngôi chùa cổ. Chánh điện vắng vẻ. Nhiều hạng mục của chùa đang được xây dựng. Sư thầy Phước Chánh là người trong làng, sống đức độ được dân chúng yêu mến. Chùa Phước Yên theo bản chữ Hán ở chuông chùa đúc vào thời Minh Mạng thì đây là một trong ngôi chùa cổ ở Thuận Hóa vào thế kỷ 17, 18 có tên là Hà Khê: “Khai sơn Hà Khê cổ tự, tiền triều Nội viện Chiêm lễ Thụy Như Tuệ Trí Thiện Đại sư Giác Linh”. Đại sư Trí Thiện Thụy Như Tuệ nguyên giúp chúa Sãi trong Nội viện. Sau khi phủ chúa chuyển đến Kim Long, sư vẫn ở lại Phước Yên để dựng chùa. Chùa hiện còn lưu giữ 2 di vật đặc biệt. Đó là tấm biển bằng đá hình chữ nhật có 2 câu chữ Hán ghi nhận công lao của tiến sĩ Cao Đăng Đệ: "Tự Đức Đinh Sửu niên/ Điện Bàn tri phủ Cao Đăng Đệ phụng cúng” (Sau này chùa được đổi tên là Quảng Phước Tự cho đến ngày nay, mặc dù dân làng vẫn gọi là chùa Phước Yên). Một di vật khác là 31 đồng tiền cổ chôn trong lòng pho tượng cổ có ghi chữ Thái Bình Nguyên Bảo và Nguyên Phù Thông Bảo.

Phước Yên trong các thư tịch cổ như Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An không được nhắc đến. Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu thì đây là một ngôi làng cổ của huyện Đan Điền thuộc phủ Triệu Phong. Trong Ô Châu Cận Lục có nhắc đến các làng gần Phước Yên như “làng La Vân có nếp văn vật… Lụa Niêm Phò còn thô…Phò giặt lụa nhiều hồ, Lương Cổ xeo giấy to như trướng”(3). Phước Yên ngày nay vẫn còn bảo tồn được những truyền thống phi vật thể như lễ tế làng, hội đua ghe và các trò chơi ngày Tết như đánh đu, bài chòi, bài vụ…

Với thế “Từ thuỷ quy triều" được sông Bồ bao bọc và dãy núi xa thuộc huyện Hương Trà làm bình phong, Phước Yên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đặt phủ và phát triển về sau này. Từ nơi đây các cơ quan đầu não Đàng Trong tập trung gọi là chính dinh (Dinh Cát trở thành cựu dinh). Chúa Sãi đặt tam ti để giúp ông coi việc chính trị. Mỗi ti có quan Cai Hợp, Thủ Hợp và các lại ti để làm mọi việc. Từ thời Nguyễn Hoàng vào cho đến thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên đến năm 1631, mới bắt đầu thi hành việc duyệt tuyển để chọn người tài giúp nước. Việc duyệt tuyển trong một ngày tại các trấn, dinh gọi là kỳ thi "Xuân thiên quận thí". Người thi đỗ gọi là Nhiêu học, được miễn thuế sai dịch 5 năm. Triều đình lại tổ chức thi Hoa văn tại Phủ Phước Yên. Người nào trúng thì được bổ làm quan ở 3 ti là ti Xá sai (coi việc văn án, tố tụng), Ti Tướng thần lại (coi việc thu thuế, phát lương) và Ti Lệnh sử (coi việc tế tự, lễ tiết, quan điền).


Vào thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên có rất nhiều người tài giúp sức như Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tấn(4)… Đào Duy Từ ở với chúa Nguyễn trong 8 năm. Ở Phước Yên hiện còn một địa danh là Dinh Ông được cho là nơi ở của vị quân sư tài giỏi này. Trong làng hiện còn nhiều dấu tích và nhiều di tích liên quan khác như Ụ Voi, Cồn Kho, Mô Súng, miếu Chiêu Vũ Hầu… Trong đợt đi thực tế gần đây (tháng 8 năm 2008), chúng tôi có dịp tìm hiểu kĩ về một số điểm di tích, và địa danh liên quan đến Phước Yên. Về địa danh Phước Yên, theo các thư tịch cổ như Quốc Triều Khoa Bảng Lục, văn bia tiến sĩ của triều Nguyễn, hàng chữ Hán ở đình làng Phước Yên hoặc 2 câu đối ở chùa Phước Yên(5) thì chữ "Yên" gồm bộ Hỏa, chữ Tây và chữ Thổ, trong khi các tài liệu của Trần Trọng Kim (Việt Nam sử lược) và Lê Nguyễn Lưu (Phủ Phúc An  và sự phát triển của xứ Thuận Hóa) thì ghi là Phúc An (chữ "An" gồm chữ Nữ và bộ Miên).

Về di tích Ụ Voi: Theo truyền thuyết có vị tướng cỡi voi ra trận không may bị một mũi tên bắn chết. Voi tìm nơi cất giấu chủ rồi quay lại đánh tan quân thù. Sau khi được người ta chôn cất chủ xong, voi nhịn đói cho đến khi chết và được dân làng chôn cất ngay tại đây. Tuy nhiên trên thực tế, đây có thể là khu vực đặt chuồng voi như những phủ chúa khác vì thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên ở đây đã có “trường bắn, trường tập voi, tập ngựa, cứ hằng năm luyện tập để phòng bị chiến tranh”(6).
Về Cồn Kho: Có lẽ là di tích nhà đồ, nơi xưa kia đặt kho chứa lương thực và vật dụng nội phủ. Một trong vị quan trông coi kho này là Đô đốc thiêm sự Trần Văn Nghĩa.

Di tích Mô Súng liên quan đến một nhân vật người Bồ Đào Nha lai Ấn Độ tên là Jean de la Croix (hay Joaz da Cruz) đến phủ Phước Yên vào năm 1631 giúp chúa đúc các vật dụng bằng đồng kể cả súng đạn. Một số súng đồng và vạc đồng đang ở viện Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế và ở một số bảo tàng khác ghi rõ dấu ấn trong thời kỳ này. Croix coi sóc ti Nội pháo tượng 2 đội tả hữu cho chúa Nguyễn Phúc Nguyên.

Về tòa miếu thờ Chiêu Vũ hầu(7): Theo nhiều tài liệu đáng tin cậy như Đại Nam thực lục, thì đó là miếu thờ danh tướng Nguyễn Hữu Dật (1603-1681) chứ không phải Nguyễn Hữu Đạt như tác giả Hoàng Lâm (VTV) trong "Hoàng Lâm Kinh Thành Huế" đã ghi(8). Nguyễn Hữu Dật là cháu 8 đời của Nguyễn Trãi. Bố ông là tướng Nguyễn Triều Văn theo Nguyễn Hoàng vào . Nguyễn Hữu Dật thi đỗ khóa thi Hoa Văn do chúa Nguyễn Phúc Nguyên tổ chức và được bổ vào chức Tham cơ vụ. Năm 1631, Nguyễn Hữu Dật theo Đào Duy Từ đắp Lũy Thầy để chống quân Trịnh lâu dài(9).

Phước Yên còn được biết đến với một nhân vật nữ là  Minh Đức Vương Thái Phi, vợ của chúa Nguyễn Hoàng. Bà được một linh mục người Ý Francesco rửa tội tại làng này. Thánh hiệu của bà là Maria Madalena. Bà được xem là người Đồng Công khai sáng giáo hội Việt . Hiện nay ở làng còn lưu truyền giai thoại về bà phi liên quan đến một địa danh mà dân làng gọi là “Tòa”. Chúng tôi chưa xác định được chính xác nhưng chắc chắn nó có liên quan đến một vương phi triều Nguyễn. “Tòa” này hiện dòng họ Nguyễn Đình đang coi giữ. Trong khuôn viên này còn có một bia đá cổ được dựng vào thời Gia Long. Chúng tôi có tiếp xúc với ông Nguyễn Đình Sao và ông Nguyễn Đình Bá nhưng chưa làm sáng tỏ được nhiều.

Phước Yên được thiết kế theo kiến trúc đô thị. Trục lộ chính dọc sông Bồ, còn các trục phụ chạy song song theo hướng Tây Bắc - Đông và đều quy tập ra trục đường chính tạo nên các khu dân cư bàn cờ. Nghĩa là  các con đường đều được bố trí gần như song song hoặc thẳng góc với nhau. Phước Yên được xem là mô hình kiến trúc đô thị đầu tiên của vương triều Nguyễn. Nhờ hệ thống đường và cách bố trí các khu vực dân cư đặc biệt này mà vấn đề giao thông rất thuận tiện. Sắp tới sẽ có thêm một con đường mới chảy dọc theo sông Bồ từ làng Phước Yên đến La Vân. Nếu dự án khả thi sau này chắc chắn sẽ có một tour du lịch tham quan các di tích cổ ở Phước Yên, La Vân, Thanh Lương, Bác Vọng…

Chúng tôi tham quan vườn rau của các hộ Phước Yên trồng. Rau má được trồng hằng hà vô số kể. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi mà cuộc sống dân làng trở nên khấm khá. Anh Nguyễn Công Toàn chủ nhân của một lò rượu mời chúng tôi nâng cốc chúc mừng hội ngộ. Anh sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Ruộng vườn nhà cửa khang trang. Chuồng heo khoảng 10 con to béo đang kêu đói.Chưa kể bầy heo con vô số. Nụ cười thân thiện dễ mến của Toàn làm tôi nghĩ rằng nó mang đức tính truyền thống của người con dân làng này. Cuộc rượu tiếp tục. Anh Hoàng T, cao hứng kể cho cho chúng tôi cuộc đời thăng trầm của anh. Gia cảnh nghèo khổ anh phải lăn lóc kiếm sống nhưng luôn nung nấu chí hướng theo đuổi sự học.

Phước Yên một ngày nắng đẹp. Trời mây hòa quyện lòng lãng tử. Cánh đồng lúa vàng thẳng cánh cò lên mùa chín tới. Chợt nhớ đến màu vàng trong tranh của  Vincent Van Gogh. Lòng nao nao nhớ đến câu chuyện lãng mạn của một vị quân vương bên dòng sông Bồ ngày nào. Tôi chợt nhớ đến thi lão Cao Đăng Tòng mà tôi thường thỉnh thoảng có ghé thăm cụ trên đường Hàn Thuyên, Huế. Cụ mất cách đây mấy năm, là cháu nội của Cao Đăng Đệ(10). Chính tại làng quê Phước Yên của mình, sau khi bị bãi chức, Cao Đăng Đệ đã ẩn cư hưởng ứng hịch Cần Vương bàn mưu chiêu hiền đãi sĩ lập căn cứ chống Pháp. Ông là người thứ hai trong làng này đỗ tiến sĩ vào năm Ất Hợi niên hiệu Tự Đức thứ tám (1875). Người đầu tiên vinh quy bái tổ là Phó bảng Nguyễn Đình Tuân. Khoa thi Tân Hợi 1851, niên hiệu Tự Đức thứ tư, triều đình trở lại lệ thi 4 kỳ (4 trường). (Kỳ đệ nhất thi bài chế và kinh nghĩa, kỳ đệ nhị thi văn sách, đệ tam thi bài chiếu, bài luận, bài biểu và kỳ thi cuối cùng là thi về thơ và phú. Người nào trúng đủ 4 kỳ được vào thi Điện. Thường thì vua trực tiếp ra bài văn sách. Ai được 4 điểm trở lên là đỗ Giáp bảng, từ 3 điểm trở xuống là Phó bảng). Khoa thi này triều đình lấy 10 tiến sĩ và 10 phó bảng. Nguyễn Đình Tuân sau đó được bổ làm quan đốc học tỉnh Quảng Ngãi. Dòng họ ông nhiều người đỗ đạt làm quan.

Trong làng có 12 họ chính là các họ Cao, Nguyễn Công, Hồ, Hoàng, Nguyễn Đình, Nguyễn Hữu, Lê, Trần Phụ, Trần Văn… Trong đó có một số họ từ Thanh Hóa vào Đàng Trong theo Nguyễn Hoàng nằm trong đạo “Trung Nghĩa Quân”, rồi theo Nguyễn Phúc Nguyên vào Phước Yên. Nhiều người trong làng xưa kia được chọn làm việc trong các tượng ti, tượng cục… Vào thời vua Nguyễn dòng họ Hồ và Nguyễn Công… được tuyển vào đội Thượng thiện và Lý thiện chuyên lo việc yến tiệc cung đình. Ông Hồ Văn Tá từng là đội trưởng đội Thượng thiện thời vua Khải Định và vua Bảo Đại. Hiện nay chị Hồ Thị Hoàng Anh cháu nội ông là một chủ nhà hàng, một đầu bếp nổi tiếng. Chị hiện đang mở nhà hàng Phú Xuân tại 128 Đinh Tiên Hoàng Quận 1 thành phố Hồ Chí Minh, và một nhà hàng Phú Xuân khác ở Tokyo. Nhà hàng chị ở Nhật được xếp hạng cao trong top 73 nhà hàng nổi tiếng ở Nhật. Các món ăn chị chế biến hầu hết mang phong vị truyền thống Huế. Chị từng được mời thính giảng tại trường đại học Woosoong về đề tài ẩm thực Huế.

Phước Yên lãng đãng trong ánh chiều tà. Nơi mảnh đất này xưa kia nhà thơ Từ Thế Mộng ra đời rồi giang hồ biệt xứ. Những cánh cò trắng muốt bay về hướng tây nam để lại sau lưng màu vàng óng ánh của cánh đồng lúa kéo dài đến chân trời. Nét cọ của Van Gogh đang độ cao hứng. Mùa thu lặng lẽ qua thềm gió. “
Ôi! Hay buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi! Vàng rơi thu mênh mông…”(11).

Mùa thu 2008
N.T.T
(nguồn: TCSH số 239 - 01 - 2009)



                                            
QUÊ NỘI


Làng Thế Lại Thượng

Thế Lại hình thành khoảng thế kỷ XV, là một xã đã có tên
trong sách Ô Châu cận lục do Dương Văn An viết năm 1553. Về
sau, theo sách Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết năm 1776, thì
xã Thế Lại chia thành hai làng Thế Lại Thượng và Thế Lại Hạ. Cuối
thế kỷ XVIII, làng Thế Lại Thượng có vị trí nằm trong Kinh thành
Phú Xuân. Đến năm 1805 vua Gia Long xây dựng Kinh thành, làng
Thế Lại Thượng bị trưng dụng 152 mẫu ruộng; đổi lại làng Thế
Lại Thượng được nhận 120 mẫu tại thành Hóa Châu (nay thuộc xã
Quảng Thành, huyện Quảng Điền). Thế Lại có nhiều dòng họ cư trú
như Trần Quốc, Trần Công, Ngô Phi, Ngô Kim, Lê Quang, Nguyễn
Văn, Phạm Văn, Mai Văn, Trần Đại...
Xét về các vị tiền khai canh, hậu khai khẩn, theo lời kể của
người trong làng thì họ Hồ là họ khai canh. Ngày nay trên đất làng
Thế Lại có miếu thờ Ngài Khai canh của làng. Vị được thờ trong
miếu chính là Hồ Đại tướng quân và vợ con của ông với bài vị: “Bổn
thổ Khai canh Thành hoàng Võ Nhuệ Hồ Đại tướng quân”, sắc tặng
“Dực Bảo Trung hưng Linh phò Đoan túc Tôn thần”, “Trịnh Phu
nhơn Tôn nương đồng nhị vị Công tử Hồ Nhất lang, Hồ Nhị lang
chi vị”.
Ngày nay hai làng Thế Lại Thượng và Thế Lại Hạ thờ chung
vị tướng đó. Trên đất cồn ở 120 mẫu tại thành Hóa Châu thuộc xã
Quảng Thành huyện Quảng Điền có lăng mộ Hồ Đại tướng quân.
Hằng năm, dân làng tổ chức tảo mộ vào ngày 24 tháng 12 âm lịch.
Về hậu khai khẩn, nếu như dựa vào “Kiến canh điền châu bộ”
được lập vào năm 1803, do Xã trưởng Phạm Văn Thành, Hương
mục Ngô Kim Lý, Xâu trưởng Ngô Phi Đạt, đứng ra lập, thì Nguyễn
Đắc Thiện và Ngô Kim Lý là những người có công với làng Thế Lại
và được nhân dân tôn làm hậu Hiền Khai khẩn.
Theo lời kể của ông trưởng họ Ngô tên Lâm, vào năm 1805,
khi xây dựng Kinh đô Phú Xuân, làng Thế Lại Thượng bị tịch thu
152 mẫu ruộng, nhưng do nhân dân trong làng không chịu nhượng
đất, ban Hương mục phản đối, nên đều bị triều đình bắt nhốt vào
ngục. Lúc này Ngài Ngô Kim Lý làm cố vấn cho ban Hương mục
đã viết tấu trình dâng lên vua Gia Long, xin trả lại tự do cho ban
Hương mục, đồng thời xin cho làng một mảnh đất khác thay vào đó.
Vua Gia Long thuận cho, ông liền cùng với Ngài Nguyễn Đắc Thiện
và dân làng đi về Thành Trung khai hoang lập làng hơn 115 mẫu,
ổn định làm ăn ở đây. Với công trạng đó Nguyễn Đắc Thiện và Ngô
Kim Lý được dân làng tôn vinh là hậu Hiền Khai khẩn.



Nguồn: http://kuir.jm.kansai-u.ac.jp/dspace/bitstream/10112/3424/1/hue_1.pdf



Đình và Miếu khai canh Thế Lại Thượng

Đình - Miếu Thế Lại Thượng được xây dựng trên phần đất của làng Thế Lại - một làng cổ xứ Thuận Hóa, ra đời cách đây trên 500 năm, về sau, làng Thế Lại tách ra làm hai làng Thế Lại Thượng và Thế Lại Hạ. Hiện nay làng Thế Lại Thượng nằm trong địa phận phường Phú Hiệp, thành phố Huế.

Địa điểm: Ðường Bạch Ðằng, phường Phú Hiệp, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đình - Miếu Thế Lại Thượng được xây dựng trên phần đất của làng Thế Lại - một làng cổ xứ Thuận Hóa, ra đời cách đây trên 500 năm, về sau, làng Thế Lại tách ra làm hai làng Thế Lại Thượng và Thế Lại Hạ. Hiện nay làng Thế Lại Thượng nằm trong địa phận phường Phú Hiệp, thành phố Huế.

Đình Thế Lại Thượng quay mặt về hướng Tây – Nam. Trước mặt là sông đào Đông Ba. Khuôn viên rộng 1.200m2, có la thành bao quanh.

Đình Thế Lại Thượng được cấu trúc gồm: Cổng Tam quan với 4 trụ biểu vuông, cao lớn, có đắp nổi câu đối chữ Hán, cách trụ biểu 5m là đôi hạc đứng trên lưng rùa chầu độc lư cao 1,8m, tiếp đến là sân đình. Đình xây dựng theo kiểu nhà rường ba gian hai chái, dài 12m, rộng 9m, có 26 cột chính và 4 cột hiên. Ðề tài trang trí chủ yếu là tứ linh, một số hoa lá tượng trưng cho 4 mùa và các hệ thống Bát Bửu, tất cả đóng khung trong các ô hộc. Nội thất chia làm 2 phần: Hậu cung và Tiền đường (hay Bái đường).

Miếu Thành hoàng Thế Lại Thượng có cổng Tam quan xây theo kiểu cửa vòm. Kiến trúc Miếu theo kiểu nhà rường ba gian hai chái, có 36 cột gỗ, đề tài trang trí chủ yếu là tứ linh, hổ phù, hoa lá 4 mùa.

Đình và Miếu Thế Lại Thượng là một cụm di tích chứa đựng nhiều giá trị nổi bật về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật và văn hóa xã hội. Cụm di tích này đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 05/1999QÐ-BVHTT ngày 12-1-1999 của Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch).