HẠ ĐỎ HẠ VÀNG

Khi quê nhà đã vào Hạ khá lâu thì nơi đây đang là những ngày cuối mùa Xuân, buổi giao mùa không rõ nét, Hạ chỉ âm thầm đến với ngày càng dài thêm và nóng tăng dần; với đời thường lại dễ nhận ra, trên các con đường đã thưa dần học sinh mỗi sáng, chiều, các hoạt động, quảng cáo gọi mời tràn ngập trên nhiều phương tiện không ngớt. Nhớ ngày xưa thời đi học, mùa Hạ nhắc nhở mấy cậu học trò ở tuổi dậy thì bằng hoa phượng đỏ dần trên đường đến trường, bằng tiếng ve kêu râm ran khi ngồi trong lớp học và bằng cả cái cảm giác buồn buồn,buồn một lẽ vì sẽ vắng bạn bè mỗi ngày trong lớp nhưng buồn hơn là không còn gặp một nhân dáng, gương mặt, một nụ cười e ấp vẫn đi theo sau buổi tan trường. Mùa hè, tuổi học trò buồn vui lẩn lộn, vui thì quá vui vì khỏi phải vất vả trả bài thầy cô, buồn cũng buồn dịu dàng man mác, buồn như bài tập đầu tiên làm quen với buồn, chuẩn bị cho những nổi buồn sẽ khốc liệt dần trước mặt.

Có một thời ở miền Trung, nhất là Huế, những ngày hè mấy mạ ở Huế giấu con gái kỷ trong nhà như của quý, đố mà thấy được cho dù có cố tình đi ngang nhà ngày mấy bận, có yêu nhau nhớ lắm muốn gặp phải lén lút, thận trọng cứ như trong truyện gián điệp, khổ lắm, càng lớn càng yêu càng khổ vì mấy mạ, khổ đến nổi có thằng bạn làm thơ con cóc gởi người yêu mà đến giờ vẫn còn nhớ một câu chân chất, “anh yêu H. vất vả lắm H. ơi”. Vậy mà vẫn chưa qua hết đoạn trường, mạ rồi còn có cha, mạ dù giữ con gái vẫn dịu dàng, kín đáo, cha thì lại giữ con kiểu khác quyết liệt hơn. Thời trung học, có lần cũng mùa hè, sau bao nhiêu “truân chuyên”, lần lữa mới chở được người yêu đi chơi, thận trọng xuống tận Cồn Hến ăn chè, buổi chiều nam thanh nữ tú khá đông, đang nhìn nhau chưa hết nhớ nhung thì cha nàng vào cùng mấy người bạn, xui nầy là xui tận mạng, có ai dè người lớn lại xuống đây ăn chè; nhìn thấy nàng co người sợ hãi đến thất thần cũng hết hồn theo và thương hơn, may mà thoát. Lại nhớ khi là sinh viên có người yêu ở Đà Nẵng, mùa hè nhớ quá vào thăm, cũng phải liều lĩnh vào nhà, qua cửa “mạ” đã là lắm nổi tưởng là yên chí, đến khi cha nàng về, dù có hỏi han nhưng với ánh mắt sắc lạnh cũng đủ làm hai đứa cứ ngượng ngùng như phạm tội. Mà cũng lạ, cha thì chắc cũng đã từng trải qua mấy độ yêu đương vất vả, cứ tưởng là độ lượng hơn, té ra không phải, phải chăng những người cha luôn thấy rõ cái mong manh và nông nổi khó lường của tình tuổi dại, điều nầy thì mãi đến khi đã có con gái lớn mới biết được.

Càng lớn mỗi mùa Hạ đi qua dấu ấn càng đậm nét, có một vài cuộc tình tan khiến Hạ buồn tênh. Hạ, có nhiều kẻ “theo chồng bỏ cuộc chơi” khi hè chưa qua hết khiến cho biết bao chàng hụt hẫng, sẽ có những con đường là “con đường xưa em đi”. Mùa Hạ nào, một cuộc chia tay lớn với bạn bè, đứa còn ngồi lại ghế nhà trường, đứa phải đi vào nơi sinh tử, đưa nhau đi mà cứ ngơ ngác, thất thần; và một Hạ với cuộc đổi đời lịch sử đảo lộn cả càn khôn. Rồi những mùa Hạ vẫn cứ qua mỗi năm nhưng đã có một khoảng thời gian dài trong đời , đừng nói là mùa Hạ, cả bốn mùa đều quên hết với những loay hoay vật vã với đời, có đôi khi nhận ra cũng thờ ơ vô cảm, còn biết bao điều bận rộn lo toan nhưng chắc là những kỷ niệm vẫn còn, có phôi pha cũng vẫn còn chỉ là lẫn khuất đâu đó, ai thế nào cũng có ngày gặp lại.

Chiều nay, dù tuổi đã xế thời buổi nầy vẫn chưa yên ổn nổi nhưng nhìn cái nắng mênh mông nầy không khỏi động lòng nhớ lại. Lại thêm một mùa Hạ, vẫn cứ muôn đời rực rỡ, nóng bỏng như mùa xưa có những chàng trai mắt sáng hừng hực tình, cười tươi như nắng, những nàng con gái má và môi hồng vì nắng. Một thời đã qua đi quá lâu, chẳng có gì luyến tiếc, ai cũng đã có một thời Hạ đỏ. Bây giờ đời người đã yên, lòng đã trầm xuống, cho dù có trải qua lắm vui buồn, gian khổ và cả uất ức trong biết bao mùa Hạ, ngồi nhớ về những Hạ xưa lại nhớ nhất những con nắng hanh vàng khi chiều xuống gây buồn buồn vô cớ, nhớ những bạn bè một thuở rong chơi nay đã khuất bóng, những người con gái biệt tăm từ độ. Đang rất nhớ, Hạ đỏ Hạ vàng, Hạ nào cũng nhớ, ở tuổi nào cũng vậy, đã không nhớ thì thôi, nhớ rồi không khỏi rưng rưng./.