NHỜ BLOG

Posted on Tháng Mười 22, 2010 by 12pctdanang6673
Tôi đã sống ở Huế gần mười lăm năm. Mấy năm thời tiểu học, trung học đệ nhất cấp, thời đại học và hai năm đầu dạy học. Những nơi chốn, năm tháng và mối quan hệ với người của Huế tích tụ lại thành một thứ mà vợ tôi thường nói đùa đó là “ một chút chất Huế trong con người Quảng rặt “ của tôi. Sống nhiều nơi ở Huế, ăn hết mọi thứ của Huế, quen – chơi với đủ thành phần người Huế. Xa Huế hơn ba mươi năm nay, nhớ Huế là tôi nhớ bạn thời ở Huế, ra Huế là ra chơi với bạn Huế đang ở Huế.
Đầu những năm 1970, khi đang học trường Phan Châu Trinh, có lẽ do những trục trặc về tâm – sinh lý ở lứa tuổi mười lăm mười sáu, tôi hay nổi hứng làm những chuyến “giang hồ vặt “ bằng xe đò, mà xa nhất là ra tới Huế hơn một trăm cây số. Trong những lần đó, tôi lại có thêm bạn người Huế. Bạn không cùng lớp, cùng trường, bạn không cùng lứa.
“ Mùa hè đỏ lửa, một chín bảy hai “, lúc người Huế chạy vào Đà Nẵng, tôi trốn nhà ra Huế chơi mấy ngày. Lần này, Huế cho tôi một người bạn thú vị, có cái tên và nước da rất con gái, nhưng khuôn mặt và tính cách lại rất là đàn ông. Đó là Ngô Ngọc Anh, mà mỗi khi nhớ về, nghĩ đến trong tôi hiện lên hình ảnh của một lãng tử với khuôn mặt rất thơ. Quen rồi mới biết Ngô Ngọc Anh là cháu gọi Ngô Ngọc Tuyền bằng “ôn “ lận. Chơi rồi mới biết Ngô Ngọc Anh là cháu ruột tác giả của “ Ngụ ngôn của người đãng trí “, nhà thơ Ngô Kha. Ngô Ngọc Anh học Quốc học, vào trường luật học cùng lớp với Thái Văn Dũng, Trương Thoại Hồng, NP Vĩnh Châu, vô Sài Gòn học tiếp trường kinh tế với Châu, Dũng, quen với Tân… Hoá ra cùng một lứa cũng dễ quen nhau. Trời đất tưởng rất rộng, té ra cũng hơi hẹp.
Hình như từ một chín bảy lăm, Ngô Ngọc Anh và tôi không còn gặp nhau nữa. Ra trường kinh tế, Anh về làm ở Đà Nẵng. Tốt nghiếp sư phạm, tôi dạy học tại Huế. Rồi khi Ngô Ngọc Anh bỏ Đà Nẵng, tôi lại từ Huế chuyển vô Đà Nẵng. Trong ba mươi lăm năm qua, Anh chưa quên tôi và tôi vẫn còn nhớ thằng – bạn – lãng – tử, có khuôn – mặt – thơ của những ngày tháng cũ.
Cách đây nửa tháng, khi mở hộp thư thấy có một địa chỉ lạ, tên rất là đàn bà, tôi ngờ ngợ và hơi lò lo. Đọc thư, tôi sững sờ, sung sướng. Tại sao Ngô Ngọc Anh ? Câu trả lời thú vị như cách Ngô Ngọc Anh và tôi trở thành bạn. Nó phát hiện tôi trên blog 12pctdanang6673 một cách tình cờ qua trung gian NP Vĩnh Châu.
Tết, một chín bảy ba, hứng khởi sau thành công của giai phẩm Khai hội, Hứa Thiếu Nhiên, Trần Hữu Trung, Trương Đình Định và tôi với một túi rượu ( và thơ với nhạc ) làm một chuyến giang hồ cũng rất vặt ra Huế, mà theo lời Nhiên là để chơi với một người – thơ xứ Huế là Trịnh Xuân Hùng. Trịnh Xuân Hùng hơn chúng tôi vài tuổi, học trường Tây, rồi qua Quốc học, trong nhóm chủ trương tờ Kết hợp, Thái hoà, báo “ cấm “ của học sinh, sinh viên Huế thời đó. Lúc bấy giờ Trịnh Xuân Hùng đã có thơ in trên Tuổi ngọc, Văn…, đối với bọn trẻ lau hau chúng tôi, như vậy là lớn lắm. Trịnh Xuân Hùng là cậu họ của Nhiên. Trong cuộc rượu của những thằng tập tành uống để nhờ hơi men mơ mòng chuyện văn chương, Trịnh Xuân Hùng ngồi nhìn, vểnh râu và nhếch mép cười.
Tháng chín, một chín bảy ba ra Huế học sư phạm và văn khoa, đổi môi trường, nhưng cái máu mê làm báo trong tôi vẫn chưa dứt và nó đã đưa tôi đến với nhóm bạn làm báo sinh viên lớp trên của Huế, trong đó có Trịnh Xuân Hùng. Lúc bấy giờ, gần và hiểu anh hơn, tôi mới hết thù cái thái độ khinh mạn của anh khi nhìn bọn tôi nốc rượu, gào thơ, hét nhạc mấy tháng trước đó. Tôi rất thích căn phòng đầy sách và u tối trong vườn nhà anh bên kia Đập Đá. Tôi thích nhìn khuôn – mặt – rất – tượng của anh. Và tôi bị quyến rũ bởi tính cách lênh đênh, phiêu bồng, phá phách của anh. Tôi hay kể cho bạn bè nghe câu chuyện anh cùng bạn gái của mình vừa lê nện guốc gỗ, vừa cùng nhau đá lon làm ồn, đánh thức cả con phố trên đoạn đường Lê Lợi về Đập Đá, để mọi người biết rằng giữa đêm khuya, lạnh có hai người đang cãi nhau.
Cái tính phiêu bồng, ưa sự phá phách đã khiến anh lao đao, lận đận trong nhiều năm trời. Lúc anh gian khổ, tôi không giúp gì được cho anh, còn gián tiếp tham dự vào vụ lừa đảo anh khi giới thiệu với nhóm đầu nậu sách để anh dịch cuốn Lust for Life viết về cuộc đời cuồng nhiệt của danh hoạ Vincent van Gogh của Somerset Maugham. Quá xấu hổ sau vụ đó, tôi chỉ biết im lặng, trốn anh và rồi cũng mất tin anh từ ấy. Tuần trước, nhận email có địa chỉ xuanhung, tôi ngờ ngợ và sờ sợ. Đúng là Trịnh Xuân Hùng. Tôi trả lời khi tay run gõ trên bàn phím. Thư hồi âm, tôi chỉ muốn hỏi một câu : Sao anh tìm ra tôi? Cái cách Trịnh Xuân Hùng tìm ra tôi cũng rất phiêu bồng như tính cách của anh. Một hôm bỗng dưng thấy nhớ, anh lang thang vào các web, blog của cựu học sinh Đà Nẵng và đã “ bắt “được tôi trên blog 12pctdanang6673.
Blog đã giúp tôi liên lạc, được chơi lại với một tên lãng tử và một kẻ phiêu bồng.
Tất nhiên là tôi rất biết ơn blog.
20. X. 2010
Nguyễn Văn Đoàn