TẢN MẠN: ÁO LEN CÀI VỘI

Ở vào một tuổi có những khoảnh khắc hoài niệm thì cũng ngắn ngủi, thoáng qua, còn biết bao điều trong đời sống cứ vướng víu lẩn quẩn mãi không cách gì dứt bỏ nổi, đôi khi hiếm hoi bắt gặp một cảm xúc tràn ngập, cố giữ được lâu chừng nào hay chừng đó cũng không giữ nổi, rất nhiều điều tưởng như vụn vặt không đáng kể lại cứ xâm chiếm đầu óc, thay đổi sinh hoạt, buộc phải rời bỏ dự định mà nếu có cưỡng được thì sau đó cái cảm xúc đó cũng tiêu điều, mất tự nhiên, nhạt nhẽo; vậy cũng may, đã hai thứ tóc trên đầu mà cứ dài hơi vẩn vơ những kỷ niệm cũ cũng dễ thành người thẫn thờ. ngớ ngẩn. Dẫu sao thỉnh thoảng cũng có ngoại lệ như hôm nay.

Ngày cuối tuần, một buổi sáng khác lệ thường, dậy sớm, ly café nóng, điếu thuốc đầu ngày và rất nhiều tiếng chim, cả không gian yên bình. Cứ tưởng rằng người thư thái, nhẹ nhàng, vậy mà không, yên bình quá lại thấy như thiếu một điều gì, không rõ nét nhưng vẩn vơ quanh quẩn trong đầu; lại nghĩ cũng bình thường, nếu được hoàn toàn vô tư lự thì đã đạt đến cảnh giới của thiền sư rồi. Nắng rất sớm, nơi đây vẫn còn giữa mùa Hạ nhưng sáng sớm đã có những cơn gió nhẹ lành lạnh phải khoát thêm áo, nhớ ra ở quê nhà đã vào Thu rồi. Cali, xứ ôn đới bốn mùa phân biệt rõ rệt, riêng quê nhà, miền Nam không kể, chỉ có hai mùa mưa nắng, ngay mùa mưa thì nắng cũng chia đều, lá có vàng có rụng ai cũng dửng dưng. Miền Trung và Bắc bốn mùa khá rõ, nhớ mùa Thu quê nhà là nhớ Thu Huế, đẹp toàn thể, đẹp toàn diện, đẹp đến nao người, ở tuổi nào cũng thấy đẹp, đẹp nhất là khi người ta đang ở vào tuổi Xuân, hồn còn trong vắt.

Thành phố Huế cây nhiều hơn nhà, vào thành nội hay ven đô chỉ thấy mái ngói dưới tàng cây. Khi Hạ tàn dần, bất chợt một ngày không xác định tự dưng trời dịu đi, gió mát hơn, đã có mây trắng, chiều như xuống nhanh hơn và chợt nhận ra tiếng ve đã dứt hồi nào không hay. Hình như ngày xưa tuổi mới lớn nhìn lá vàng rồi rụng dần khi trời vào Thu cũng không chú ý nhiều, cái quy luật thiên nhiên diễn ra hàng năm thành lệ, có đọc và mơ màng với Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư thì cũng như mơ về cõi nào khác, có nai ngơ ngác trong rừng thì rừng còn chưa thấy được thấy gì nai, huống hồ là chinh phu với chinh phụ, duy chỉ có lá vàng khô thì ngày càng phủ đầy lối đi. Thu rõ dần khi sáng sớm đã có sương mù phủ trên mặt sông Hương, rồi phủ dần thành phố, mây đầy trời nên nắng nhạt hơn và đã có mưa nhẹ, những ngày nầy mà buổi chiều được ngồi quán café với bạn, hút thuốc Bastos xanh cho nghệ sĩ, nhìn cô chủ quán xinh xắn, nghe Nước mắt mùa Thu, Mùa Thu Paris thì mấy chàng rất trẻ ngày nào cứ tưởng như mình là nhà thơ, như đang ở Paris không chừng. Cuối Thu thì áng văn bất hủ của Thanh Tịnh lại trở về “Hằng năm cứ vào cuối Thu, lá ngoài đường rụng nhiều….”, những cảm giác lẫn lộn vừa luyến tiếc những ngày hè, vừa nôn nao trở lại trường, nôn nao chuyện học hành không bao nhiêu với tuổi dậy thì lười biếng mà nôn gặp lại bạn bè, nôn gặp lại cô bé đi theo suốt năm trước mấy tháng hè trốn mất tiêu trong nhà không thấy, một “mối mơ” của thằng Cuội trẻ Trung Thu qua.

Nhớ và muốn nghe những bản nhạc về Thu, lục tìm bắt gặp một dĩa nhạc Thu không rõ của ai, được copy hồi nào không rõ. Nghe lại không mấy thích, những bản nhạc quá quen thuộc, nghe cả “triệu” lần rồi, nhớ hình như không có bản nhạc nào viết về Thu Huế, hay là mình không biết, nghe “Nhìn những mùa Thu đi” biết là Huế ngay nhưng vẫn không trực tiếp, bên kia đèo có nhạc sĩ xứ Quảng với ” Thu hát cho người” nghe chạnh lòng nhưng cũng không biết là Thu ở đâu, Hà Nội lại có nhiều bản về Thu Hà Nội. Đang lơ đãng bất chợt nghe một giai điệu chầm chậm, nhẹ nhàng , một giọng ca ngọt ngào, cũng một nổi nhớ về Hà Nội, hay nhưng không hay hơn những bản khác, duy những hình ảnh trong ca từ lại thấy quen thuộc. Nhớ lần đầu tiên đến Hà Nội cách đây hơn 30 năm, chỉ ở 3 ngày, cảm nhận đầu tiên Hà Nội cứ như một phóng ảnh lớn của Huế, cũng những con đường nho nhỏ đầy bóng cây, cũng những ngôi nhà kiến trúc Đông Tây lẫn lộn mà vẫn hài hoà, cũng những tường thành rêu xanh, gần gủi nhất là rải rác tại mỗi góc đường cũng có vòi nước công cộng với tay quay nằm trên cùng một kiểu cách như ở Huế, nên chi nghe lại cứ như nghe về Huế. Điều nầy cũng chẳng gây nhiều cảm xúc lắm, chính cái thương nhớ một hình ảnh rất bình thường, giản dị không hiểu sao lại khiến xốn xang, “ tôi mắt về Hà Nội/ để nghe gió sông Hồng thổi/ để thương áo len cài vội….”. Hình ảnh, đúng ra là một cử động,“áo len cài vội”, nghe cứ nhớ lại một thời rất xưa, chẳng cứ gì Hà Nội mà ở bất cứ nơi đâu có Thu tàn Đông tới. Cuối Thu, trời đã hơi lành lạnh, trên đường phố buổi sáng hay buổi chiều những thiếu nữ với những chiếc áo len mỏng đủ màu sắc một thời kiểu cách với hàng nút phía trước, khoác hững hờ để làm điệu với mùa Thu, bất chợt một cơn gió lạnh thổi đến, người run nhẹ vội vàng cài khuy áo. Bản nhạc hình như có nghe loáng thoáng đã lâu, hôm nay mới lần đầu nghe kỹ, không biết tên bài hát, chẳng biết của ai, cũng chẳng hiểu rõ người nhạc sĩ thương áo len cài vội là thương ra sao; không cần phải thắc mắc làm chi, khi đã có một thời đi bên cạnh một người con gái giữa một chiều đầu Đông, cũng có hình ảnh áo len cài vội thì khi nghe như một nhắc nhỡ đôi điều ẩn khuất đâu đó, có khác chăng là phải đến mấy mươi năm sau nhớ lại mới thấy một cử chỉ quá đổi bình thường lại đẹp dịu dàng khi qua tay thiếu nữ xuân thì, và thấy thương. Rất muộn.

Dù là một ngày ngoại lệ thì ngoại lệ cũng không kéo dài nổi, đời thường đã réo gọi. Bây giờ cũng cài vội và cài cho kín chiếc áo ký ức, đừng để hở. Khi đang len lỏi với đời mà cứ thơ thẩn với mây gió ngày xưa rất dễ bị nhìn như kẻ đang mộng du.