LAN MAN: BUỒN THEO NẮNG

Dĩ nhiên là không kể ngoại lệ “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” thì nắng lúc nào cũng vui, reo vui như nắng, mưa lại thường buồn. Những chia ly, trắc trở lúc nào cũng trong mưa, cho dù là khi “ em đến thăm anh một chiều mưa” cũng vẫn cứ buồn, lại “ước mơ một chiều thiêu nắng” để “em quên đường về”, cũng khá lạ lùng cho tâm trạng tác giả, sao không ước em quên đường về trong chiều mưa có phải là còn vui hơn nắng, không lẽ chỉ có khi nắng mới quên đi được niềm cay đắng, còn mưa thì không,có lẽ cái ướt át, tiêu điều của chiều mưa khiến tâm trạng khó vui. Vậy mà chiều nay, một chiều khá hiếm hoi ngồi một mình nghe nhạc, thưởng thức nhạc thật sự chứ không phải là vừa lái xe vừa mở nhạc cho đở trống và đở buồn ngủ, nhìn ra ngoài trời lại thấy buồn buồn theo con nắng, ai bảo nắng không buồn.

Thật ra cũng đã lâu lắm rồi từ hồi còn nhỏ đã cảm nhận cái buồn của nắng trong bài thơ Nắng mới của Lưu Trọng Lư, với những câu đầu tiên:

“Mỗi lần nắng mới hắt bên song
Xao xác gà trưa gáy não nùng
Lòng rượi buồn theo chiều dĩ vãng
Chập chùng sống lại những ngày không”

là đã mang mang nhớ lại hình ảnh trưa hè ở quê ngoại ngày xưa, phải là quê ngoại mới gắn liền được với hình ảnh mẹ và miền quê, giữa cái nắng buổi trưa hè, không gian im vắng có tiếng gà gáy não nùng, một tiếng hò ru con thoang thoảng vọng đến từ xa, cái nóng ngầy ngật của miền Trung, cứ gây một nổi buồn xa vắng, mênh mông mà một cậu bé chưa thể biết vì đâu nhưng mãi giữ hoài trong tâm thức. Khi lớn lên với Thâm Tâm:

“Đưa người ta không đưa sang sông
Sao nghe có sóng ở trong lòng
Nắng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong”

thì nắng lại buồn theo một tâm trạng khác, như một tình cảm thoát ly, giang hồ vẫy gọi; và rồi còn có biết bao con nắng, nắng trong Áo lụa Hà Đông của Nguyên Sa, trong Về chơi thôn Vỹ của Hàn Mặc Tử, trong Tình ca ban mai của Chế Lan Viên…nắng nào cũng buồn và đẹp tinh khiết.

Không dám hồ đồ, chỉ như là một cảm nhận thì mưa như những bản nhạc buồn thường được viết bằng cung thứ với những nổi buồn dịu dàng, chìm đắm trong một nhịp đều đều, da diết nhưng lắm khi sướt mướt, ủy mị. Cung trưởng thường rộn rã vui tươi, nhưng khi để diễn tả nổi buồn thì cung trưởng lại diễn tả mạnh hơn cái ray rứt, nao lòng, nổi buồn như được nâng cao hơn một bậc, như sang trọng hẳn lên; nhìn nắng buồn cũng như nghe một cung trưởng buồn, hãy ngồi nghe Tiếng xưa, Đêm tàn Bến Ngự, Thu cô liêu, Tà áo xanh, Gửi người em gái, Vàng phai mấy lá ..rồi lan man sang Cuối cùng cho một tình yêu, Nghe những tàn phai…tất cả đều được viết bằng cung trưởng, mới thấy lâng lâng một cảm giác buồn sang trọng, một nỗi buồn thăng hoa.

Đã qua quá lâu tuổi bất chợt vui buồn, vẫn có những khoảnh khắc hiếm hoi tình cờ bắt gặp và nhớ lại, như chiều nay. Nhớ những cuộc tình ngày xưa không hiểu sao chia tay nhau toàn là vào những ngày nắng. Phải chăng mùa Đông xứ Huế luôn phải cần nhau cho bớt lạnh lẽo, đợi đến khi qua rồi mới nhận ra lầm lỡ, hay là ở một nơi quanh năm là Hạ nên tình yêu chỉ như một thoáng mưa rào; nhưng sao tận xứ sương mù có thành phố một thời đẹp như trong chuyện cổ tích, lại cũng phải rời xa một người con gái trong một buổi sáng ánh nắng mai đánh tan cả sương mù.

Nắng ngoài kia đang nhạt dần, nhìn một cái rực rỡ cứ tàn phai dần như đời người qua năm tháng rồi cũng đến một ngày, những câu thơ của người bạn, Trần Hải Nhuận bỗng dưng lại lãng vãng:

“ Nắng chở chiều đi nổi nhớ thương
Chiều qua lòng phố những con đường
Cúi xuống hoàng hôn thầm thì hỏi
Về đâu bên trời giọt nắng vương”

Những giòng thơ tưởng chừng dịu dàng lại gây một nổi buồn rầu.Ừ, đời người rồi cũng có lúc đến buổi hoàng hôn, những giọt nắng như tinh lực đời người sẽ cạn kiệt dần, tan biến trong bóng đêm, sao hoàng hôn lại cứ thì thầm như âu yếm lại như trêu ngươi. Nhìn những giọt nắng hiu hắt cuối cùng lòng chùng xuống, một buổi chiều khi không bất chợt động lòng cảm khái. Thôi thì tự nhủ chỉ một khoảnh khắc nầy thôi hí, ngày mai nếu có gặp chắc chắn rằng sẽ dửng dưng với nắng, dửng dưng luôn cả hoàng hôn, đừng có ở đó mà thì với thầm ./.