CHẤT THIỀN TRONG TÌNH YÊU CỦA NHẠC TRỊNH

Thái Kim Lan

Là bạn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ thuở sinh viên ở Huế, thường gặp nhau, kể cho nhau nghe về một quyển sách đã đọc, về một bài hát đang soạn, rồi bàn cãi tranh luận… vỡ ra những vấn đề về hiện sinh, về tình yêu, về sự sống và cái chết, về thiền…

Cuộc trò chuyện với nhà triết học Thái Kim Lan dưới đây là không hẳn là cái nhìn của một nhà triết học, mà là những chia sẻ đầy tình cảm của bè bạn về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

– Bàn về Trịnh Công Sơn, nhiều luồng tranh luận về tính nhạc trong những tình khúc của anh, một con đường “không giống ai”, đi ra ngoài mọi lề thói?
– Ở đây, có một kẻ đi ra ngoài lề của nhạc lý, vẫn chập chững về nhạc lý, nhưng sự chập chững này là một chiêu thức đã chinh phục tất cả mọi trái tim, bộc lộ một con đường hoàn toàn mới của âm thanh.
– Viết về thân phận con người, về tình yêu và cái chết, âm nhạc của Trịnh Công Sơn luôn bàng bạc chất thiền?

– Tình yêu là cảm hứng sáng tác của thi ca âm nhạc. Nhưng với Trịnh Công Sơn, âm giai của tình yêu dường như chùng lại một giây. Chùng lại để trở nên vô tận. Vô tận theo nghĩa vượt thoát khỏi mọi giới hạn của thời gian và con tim, khiến cho con tim chùng lại, đập một nhịp khác hơn bình thường.
“Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ”… Yêu em, yêu luôn tình phụ. Em cứ phụ tôi, em cứ phụ người, bởi tình yêu của tôi mong manh nhưng tràn ngập tình thương, tràn ngập từ bi. Đó chính hương vị của thiền, làm nên cá thể sáng tạo vượt mọi giới hạn, bàng bạc khắp nơi.

 Có lẽ trong tất cả những người thanh niên trẻ của thế hệ chúng tôi, Sơn là người đã bắt gặp được sự đốn ngộ bất ngờ ấy sớm hơn ai cả, không phải nghĩa “sớm” của “trước sau” mà là đã “từ bao giờ” không ai hay – trong vòng tay của người mẹ mộ đạo Phật ru đứa con đầu lòng, của gia đình thành tâm thương Phật, anh em có nhau khăng khít, của cả mấy đời người Huế thương chùa, của cả mảnh đất thần kinh thâm u miệt mài hai chữ tu tâm – nên đến bây giờ, chỉ cần một chút “run rẩy” của lá là đã chuyển động “Phật tâm viên tròn thể tánh” trong ý nghĩa đơn giản nhất: chứng ngộ, thấy được chữ “thương ai” (ta và người = từ bi) viết đậm nét trên chiếc lá “hư không”.

Mỗi ca khúc của Sơn vì thế –  như ít có nơi những kẻ đi trước và những người đồng thời với Sơn trên lãnh vực âm nhạc –  có thể nghe và cảm nhận như những công án thiền học về cuộc đời, mà mỗi câu hỏi siêu hình hay luân lý đạo đức về nó đều bị “trả đũa” bằng một hay hai điều tầm thường, vớ vẩn trong chính cuộc đời; ở ca khúc anh chữ nghĩa mất hết tính cách ước lệ, quy luật văn phạm, sự vô nghĩa nằm sát bên có nghĩa: tay hư vô thắp nén, chiều chơi vơi trên cao và dòng sông cũng qua mau… gợi mối sầu.

– Chất thiền trong nhạc Trịnh lại mang một hương vị thật mới mẻ, hài hoà giữa triết học phương Đông và triết học phương Tây?

– Có ai không bất ngờ khi nghe câu hỏi thuộc phạm trù mệnh lệnh đạo đức “Sống trong đời sống phải có một tấm lòng; để làm gì em có biết không?” được Sơn trả lời một cách ngắn gọn: “Ðể gió cuốn đi!”, cũng chẳng khác chi công án thiền học.
Trong bài ca vô nghĩa đứng cạnh có nghĩa mà vẫn không nghịch lý, người nghe không thấy chỏi tai mà ngược lại cảm thấy cảm xúc lăn tròn theo tiếng hát, và trong chuỗi âm thanh theo đuổi nhau, mọi nghịch lý, phi lý làm cho con người nghẹt thở của một Sisyphus hì hục lăn tảng đá cuộc đời đều được giải toả bằng một hơi thở dài trút hết ưu phiền của tiếng hát lênh đênh.

Mỗi tiếng, mỗi chữ trong các ca khúc trở thành những đơn thể của tâm thức trong tính cách hiện sinh duy nhất, tràn đầy sinh động của chúng đã được Sơn sử dụng một cách sáng tạo như những phương tiện “tiếng vỗ của một bàn tay” nhằm đánh thức âm hưởng nội tâm của mỗi người nghe, từ đó người nghe có thể đưa thêm vào bàn tay của mình để gây âm thanh cho chính cảm xúc của mình. Và tiếng ca, từ những cọng lá khô không lời, những viên sỏi vô tri im tiếng, bỗng xôn xao “cây lá vào mùa”, bỗng lao xao sóng vỗ bờ xa…

Những ý niệm, những ngôn từ trong đạo Phật, “hư vô, hư không, cõi tạm, vô thường, cõi đi về, tiền kiếp, từ bi…”, thường được xem như những món “cơm chay” khắc khổ, đã được Sơn hoá giải rất tài tình, sáng tạo. Bỏ hết tất cả những chất khô cứng đóng khung của ngôn ngữ dù đó là lời kinh, chúng được “lắng nghe” và “linh cảm” trong bản chất âm giai nội tâm đối đãi nguyên sơ nhất của chúng.
“Tôi đã lắng nghe im lặng dòng sông… tôi đã lắng nghe im lặng ngọn đồi… tôi đang lắng nghe im lặng của tôi… tôi đã lắng nghe im lặng thở dài”. Bài hát sâu lắng như một buổi toạ thiền quán sát hơi thở.

Hư vô, cõi tạm do đấy được sử dụng như tiếng thô “đục” của mõ và “thanh” bổng của chuông, hai phương tiện của “nghe kinh ngộ đạo” đơn sơ nhất, căn cứ vào tầng rung cảm âm thanh bẩm sinh của mỗi con người, nói nôm na là “tiếng lòng” của mỗi người mà âm vang của tiếng mõ và tiếng chuông có thể làm nở “đoá hoa vô thường”, có thể chở ta ra đi viễn xứ và mang chúng ta trở lại quê nhà.
Có thể nói tính cách tân kỳ của ca khúc Trịnh Công Sơn nằm ở chỗ trong khi Sơn chuyển ý niệm “sắc không” vào âm nhạc, Sơn đã “làm mềm” chúng bằng cách dựa vào giai từng cơ bản đối đãi giữa giải thoát và cõi trần cát bụi, trong tương quan chuyền qua đối lại giữa “đục – thanh”, “trầm – bổng” của mõ và chuông, từ đó tuỳ tâm mà chuyển đổi và ứng dụng tất cả những phương tiện khác của âm nhạc, tứ đại cảnh, ru em, hò hay điệu blue buồn hoặc điệu soul của phong trào tân nhạc Âu châu chẳng hạn – để sáng tạo nên thể cách riêng tư của mình.

Trong tất cả dòng chảy của âm nhạc Trịnh Công Sơn, sự tĩnh lặng thoát ra từ âm thanh mộc của tiếng chuông ngân và khô khan của tiếng va chạm trên gỗ luôn luôn làm nền tảng cho sự cảm nhận nét nhạc của mỗi bài ca, dù cho bài ấy có dồn dập đến đâu…
Kim Yến  thực hiện 

Nguồn: tiepthithegioi.vn