CHUYỆN CHỮ NGHĨA

FB Vinhhuy Le


BÀN NHẢM VÀI CÂU THÀNH NGỮ CA DAO


Tiếng Việt có câu thành ngữ tréo ngoe: “Cao chạy xa bay”. Làm ông nọ hay chữ quá, nhận ra ngay đây là dịch “Cao phi viễn tẩu” 高飛遠走 của Tàu, rút từ Hậu Hán Thư; có nghĩa là để lánh thân thì con chim phải bay cho cao, con thú phải chạy cho xa. Thành ra họ đề nghị nên viết lại cho đúng, là “Cao bay xa chạy”.

Sửa vậy đúng thì đúng thiệt, nhưng lại ra lạt lẽo vô duyên vô dùng.

Ông bà mình đúng là đã dịch từ Tàu, nhưng không chịu theo lối mòn, mà dụng phép “chẻ chữ” để dịch. “Xa chạy cao bay” thì hiền lành cục mịch quá, nói chuyện huề vốn. Phải đảo chữ lại, “Cao chạy xa bay” mới tạo ấn tượng, nghe qua là nhớ. Dịch như vậy không hề “phản” chút nào, mà còn trên nguyên bản một bực.

Cách đảo chữ này, Huỳnh Thúc Kháng đã dùng rất đắt, trong thơ tự thọ của ông có hai câu... chướng khí:

Định luận mấy ai da để cọp

Hư sanh cười tớ kén giam tằm

Lãng Nhân Phùng Tất Đắc bàn: “Kén giam tằm đã đành, nhưng da làm sao để cọp? Phải hiểu ngược lại là cọp để da”.

Hơn nữa, tuy nói ngược ngạo vậy, mà người nghe chẳng những hiểu ngay ý mà còn nhớ lâu. Bởi đây là thành ngữ, đọc thành ngữ lên, thường người ta túm lấy cái ý chung của câu, chẳng ai moi móc bẻ họe từng chữ.

Làm theo ông hay chữ nọ thì chẳng riêng thành ngữ này, mà kho tàng tiếng Việt còn phải sửa lại nhiều thành ngữ khác, cho vừa lỗ tai cây của ổng. Như “Quen hơi bén tiếng” phải sửa thành “Quen tiếng bén hơi”. Hoặc “Nhường cơm sẻ áo” thành “Nhường áo sẻ cơm”. “Ruồi bu kiến đậu” phải là “Ruồi đậu kiến bu” mới chuẩn. Thiệt là tình, thứ gì đâu, học cho cố rồi quên luôn cái hay của tiếng mẹ đẻ!

* * *

Ca dao cũng có một câu gần gần kiểu vậy, nhưng đâm bang trật chìa, mà tôi dám cá là hồi nhỏ mới nghe lần đầu, ai cũng thấy hổng xuôi lỗ tai, là câu:

Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao

Người ta giảng đây là nói về tình đoàn kết. Nhưng không cách nào giảng cho thuận tình hợp lý tại sao đem ba cái cây chụm lại thì thành trái núi. Nhơn nào quả nấy, gom cây kết cối lại thì bất quá chỉ thành đống củi cho thằng ngu nào đó đốt chơi khoe bảnh; hoặc nói vống lên nữa thì cũng phải thành rừng, chứ có đâu thành trái núi đặng?

Bằng cớ là có hẳn một câu ca dao khác cũng nói ý này, mà mạch lạc, hợp luận lý hơn nhiều:

Một hòn chẳng đắp nên non

Ba hòn đắp lại nên cồn Thái sơn

Lại có người giảng câu “ba cây” là... câu sấm, nói về anh em nhà Tây Sơn. Giảng vậy là nói dóc, vì anh em nhà đó kèn cựa tranh giành uýnh nhau mẻ đầu sứt trán, chẳng hề muốn đội chung trời với nhau.

Vậy nên tui thấy đây hổng phải ca dao, mà thiệt ra là câu đố, đố chữ.

Hồi xưa người ta dạy chữ Hán cho con nít thường đặt thành vè để tụi nhỏ dễ nhận ra mặt chữ. Thí dụ: “Cô kia đội nón đứng chờ ai” (chữ Nữ ở dưới chữ Miên ), là chữ An .

Tương tự:

Đất này là đất bùn ao

Ai cắm cây sào mà cắm chẳng ngay

Con ai lại đứng ở đây

Đứng mà không vững dựa ngay vào sào

(Đất là chữ Thổ , cây sào là nét phẩy 丿, và con ai là chữ Tử . Hợp lại thành chữ Hiếu ).

Trở lại với câu lục bát đang bàn:

Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao

Đây là giảng chữ Sơn , gồm ba nét sổ dọc được nối lại bởi nét ngang phía dưới.

Hiểu vậy thì gom “ba cây” lại thành hòn núi (chữ Sơn) mới cho ra cái nghĩa hợp lý.