PHIẾM: NHƯỜNG NHỊN HAY NHƯỢNG BỘ?

Dù có nghĩa hao hao nhưng ai cũng biết nhường nhịn và nhượng bộ khác hẳn nhau dù có khi hàm hồ, phải nhượng bộ mà vẫn cứ nói là nhường nhịn, lại biện luận kiểu “tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Chẳng phải là nhà ngữ học nên cứ nghĩ đơn giản nhường nhịn có nghĩa đẹp hơn, tự nhận về mình phần thua thiệt vì thương yêu, vì nghĩa cử, vì hy sinh…..trong khi nhượng bộ thường thuộc diện bất khả, muốn mà không được đành chịu thua, có khi ấm ức, tức cành hông. Trong đời sống thì xảy ra thường xuyên cả hai thứ, nhưng dường như càng vế già thì càng nhượng bộ nhiều điều, rất nhiều thứ thời trai tráng không chịu lùi thì giờ mới gặp lại vội vàng nhượng bộ, thoái lui.
Nghĩ cho tuổi già rất tội nhưng biết làm sao, sống lâu thì phải thoái trào, thoái dần dần bộ muốn trẻ mãi không già. Tuy vậy rất nhiều điều vẫn mơ hồ lẫn lộn, không biết là nhường nhịn hay nhượng bộ hoặc là nói sao cũng được. Có rất nhiều lãnh vực nhưng giản dị cứ điểm qua một vài ví dụ với bạn bè cho vô tư và dễ nhận ra.

Trước là nói chuyện ăn nhậu cho thư giãn thần kinh. Ở Mỹ không kể những buổi tiệc tùng đông đúc chủ yếu chỉ để họp mặt, bạn bè thân tình dù hiếm hoi, thỉnh thoảng cuối tuần cũng gặp nhau để nhậu nhẹt thật sự, lệ bất thành văn dù được mời đứa nào cũng mang đến một thùng bia, thường là một thùng 12 chai cho gọn, có khi mua thêm một món ngon đem tới. Nhớ là cách đây gần 10 năm còn độ tứ tuần, mỗi thằng làm 5,7 chai gọn bân còn lai rai thêm vài ly rượu, đôi khi hứng lên còn đi mua thêm, nhậu xong nghỉ ngơi một lúc vẫn lái xe về thoải mái. Lần lần tửu lượng giảm dần lúc nào không hay. Chỉ mới cách đây 2 tuần mấy thằng ngồi với nhau, uống túc tắc mãi cũng không hết bia, muốn uống thêm cũng không muốn uống, đứng lên ngồi xuống ra vào toilet hơi nhiều, trước đây ngà ngà lâng lâng thấy sướng nay hơi mệt, chuyện trò cũng thiếu hào sảng chứ đừng nói là hát với hò. Đúng là phải nhượng bộ rồi, nhượng bộ sức khỏe; mà nói nhường nhịn cũng được nếu không muốn lần sau nhậu với bình serum nước biển và cháo.

Cách đây mấy hôm, quên cell phone ở nhà, môt ông bạn tiểu bang xa gọi không gặp để lại lời nhắn, nghe kỹ chợt bật cười, “ Ch. đây, gởi lời thăm ông. Có cơ hội sẽ gọi lại”. Cười vì từ “cơ hội” nghe cứ như rất khó khăn để gọi nhau, ông bạn nầy gốc các “mệ” nên lúc nào cũng nói năng từ tốn, trang trọng quá mức. Gọi lại chọc ghẹo mới biết là vẫn rất bận rộn, muốn thường xuyên gọi thăm hỏi chuyện trò với bạn bè mà không còn phút trống, nếu có thì chỉ đủ để nghỉ ngơi và sinh hoạt gia đình, ở đâu cũng vậy, đã làm chủ một cơ sở kinh doanh cũng cực và bận rộn lơ là là chết. Kiểu nầy là phải nhượng bộ đời sống rồi, nói nhượng bộ là đúng quá, với tính cách ngày xưa sống phóng khoáng nay phải miệt mài làm ăn, chẳng đặng đừng, nhớ lại một thời kiếm sĩ tung hoành, tức anh ách, ở đó mà nói nhường nhịn.

Lại có ông bạn nhà giáo, ngày xưa rất năng động, nay về hưu non, thời giờ giàu có, đời nhàn hạ không còn phải lo nghĩ nhiều, một thời gian dài rất năng nổ tham gia nhiều hoạt động nhưng bẵng đi mất tiêu rất lâu, bạn bè réo mãi mới thú nhận là do lười biếng. Chắc cũng có nguyên nhân, nhưng cứ hình dung cái quyến rũ và thoải mái của con virus lười biếng thì chắc ai cũng muốn nhượng bộ hay nhường nhịn, không biết bạn nầy có vượt nổi căn bịnh nầy.

Chưa hết, trên con đường đi cao nguyên có ông bạn, chủ quán bún bò Huế, thơ nhạc đều mê và khá rành rẽ, máu phong lưu còn đầy nhưng công việc đành chịu trận không phiêu lưu đâu được, cảm thán than rằng sức còn nhiều sao trời hại không cho tung cánh. Khuyên ông bạn nầy cần nhường nhịn, cứ tưởng vậy chứ tuổi nầy gắng gượng một tháng chỉ đôi ba lần thì xông pha ra ngoài gì nổi, chết như không.

Độc đáo có một bạn ở tận xứ Down Under, rất ngang tàng, yêu đời mạnh khỏe thích làm thơ Bút Tre trêu ghẹo bạn bè, đời như không hề nhượng bộ điều gì. Có một ngày vừa lái xe vừa mơ màng chuyện chim bay bướm lượn gì không biết, ầm một tiếng, đụng xe tay phải bó bột. Cứ tưởng vậy chắc cũng nhường nhịn hay nhượng bộ đôi điều, không, vẫn cứ hát “yêu nhau cởi áo cho nhau…..” rồi “đêm về tôi đá vài ve”, không hiểu khi còn độc thủ thì làm sao cởi áo cho nhau, chưa kể sau khi đá vài ve về nằm rêm người vì đau nhức, rất lì đòn, một ngoại lệ.

Có hai đứa bạn là khó biết nhất. Hai thằng lấy vợ trẻ, đồng thanh ca bài ca “ năm anh hai mươi, em mới sinh ra đời”, chuyện nầy ngày xưa thời ông nội ông cố là chuyện nhỏ, thời nầy nhất là ở xứ người chuyện tuy cũng không lạ gì nhưng thuộc chuyện can đảm, nhiêu khê. Cho đến bây giờ thấy rất êm ấm, một thằng đẻ con gần nửa tiểu đội, thằng kia nói chuyện còn vang vang tiếng cười, không hiểu hai đứa có phải nhường nhịn lẫn nhượng bộ gì nhiều không. Nếu chưa thì chắc rồi cũng phải, khi hát đến câu “ngày anh bốn mươi, em cũng vừa đôi mươi” còn tạm được, đừng hát thêm, e não nề. Dù sao cũng có câu “chồng già vợ trẻ là tiên”, được làm ông tiên là của hiếm, ai bằng. Sợ nhất là có ngày gặp hai “ông tiên” bạn nầy miệng thì cười mà mắt lại rưng rưng.

Đời mỗi người mỗi cảnh, mỗi số phận, ai có ngang ngạnh lắm cũng cần nhượng bộ đôi điều không sẽ gãy, ai có may mắn lắm nên nhường nhịn ít nhiều đừng kiêu hãnh. Khi đời đã xế theo chiều nghiêng nghiêng dần đành phải tùy thời thích ứng. Có một tuổi nhượng bộ hay nhường nhịn gì thì nghĩa cũng như nhau.