PHIẾM: TỪ LY RƯỢU ĐẦU TIÊN

Đang là những ngày cuối năm, mỗi nơi một khác, ở quê nhà các bạn nhất là đàn ông đang triền miên với những bữa tiệc tất niên, ngồi nhớ lại cảm giác những ngày này khi còn ở quê nhà, vui có mà mệt mỏi cũng không kém vì được hay bị ăn và uống quá mức bình thường mà không thể từ khước được.
Bài viết không hề có ý cảnh giác hay khuyên răn gì cả chỉ khơi khơi nhớ lại một thời sống và ăn nhậu cùng bạn bè trong đời, nên chi ai nhậu cứ nhậu, ai kiêng cử cứ kiêng cử, có lo cho sức khỏe, sợ chết sớm thì cứ nói theo kiểu Chí Phèo,”giày dép còn có số, huống hồ người”, khi nhậu hưng phấn lên tuổi tác nào cũng như nhau, cơ hội sức khỏe cũng ngang ngữa.

   Nhớ thế hệ tụi mình lúc đi học bia rượu gần như không có trong danh mục giải trí, tối kỵ, thậm chí thứ tai hại như “xì ke” có thằng hút nhưng bia rượu thì hầu như không nghe, chỉ café thuốc lá, làm thơ tán gái, có bài bạc thì chỉ chơi billard cá độ chầu café là cùng. Vậy mà ly rượu đầu đời mình uống lén lút với mấy thằng bạn lại vào lớp đệ Tam. Dạo đó mình được sở hữu nguyên căn gác, gần như quanh năm luôn có mấy thằng bạn ở ngoại ô xa đến ở lại cho gần trường, nhớ một chiều mùa Đông một thằng tự dưng thất tình ngang xương, hắn yêu cô cùng làng cùng lớp tiểu học, không rõ có được đáp lại không, e là không vì hắn còn quá nhỏ mà con gái lại là con gái nông thôn trưởng thành và lấy chồng sớm, hắn ta buồn báo rằng cô ta sắp lấy chồng, ngồi buồn dã dượi; sau khi đi uống café trên đường về tự dưng hắn bảo tối nay uống rượu đi, vậy là mua một chai rượu thuốc độ 3 xị, mấy cái hột vịt lộn cho 5 thằng. Trời thì lạnh, mưa lâm râm, lại có thằng đang thất tình cớ chi không, vậy là thơ rồi nhạc, khói thuốc như mây và rượu thì vừa uống vừa run sợ mẹ mình mà biết thì chết cả lũ. Sáng lại đến gần trưa mới mở mắt nổi, nhìn nhau đứa nào cũng như ma trên đất, mặt mày thểu não, đầu như búa bổ vào, mệt nhưng hình như không sợ, lại có vẽ như đã trưởng thành nữa, đã có câu “nam vô tửu như kỳ vô phong” mà, còn thằng bạn thất tình thì lại thêm thất thần, trông thểu não thêm nhưng lạ là chỉ lần đó rồi thôi.

   Từ ly rượu đầu đời cho đến lần sau là một khoảng cách xa, mãi cho đến khi vào đại học và cũng chỉ với vài ly bia hay rượu vào dịp Noél hay Tết. Đến khi ra đời làm việc, có thu nhập thì nhậu mới khá thường xuyên và dần dần nhậu gần như càng lúc càng phổ biến tràn lan theo đà thu nhập của xã hội, ai đi làm việc buôn bán mà không nhậu lai rai thì như người từ hành tinh khác đến. Cuối thập niên 70 tại Đà Nẵng dù còn khó khăn nhưng những quán ăn nhậu cũng có khá nhiều. Nhớ có thứ rượu nếp gồm nếp trắng và nếp than chứa trong bình sê-rum (1lít 2), chiều ăn cơm tập thể về hai thằng uống một bình là lâng lâng ngủ ngon đến sáng, có một lần thấy lên “đô” (dose) hai thằng xách 2 bình, rượu êm say lúc nào không hay sáng dậy nhức đầu gần chết, rồi lại nghe là rượu dành cho đàn bà đẻ nên từ luôn. Lại có thứ rượu Hà Thủ Ô quá ngon, theo công thức truyền thống lại trong thời kỳ ai cũng làm ăn lương thiện nên phẩm chất tốt , mỗi buổi chiều ra ngồi quán nhậu bên hông rạp Trưng Vương uống rượu Hà Thủ Ô với sườn nướng, hút điếu thuốc Vàm cỏ, râm ran trò chuyện với bạn bè thì quả thật tìm đâu cho có. Dạo đó lại có thứ rượu mùi Ararat đến từ Liên Xô cũ, mắc tiền lại có nhiều hạng tính theo số huy chương trên chai giá bằng hoặc hơn cả tháng lương, vậy mà không hiểu sao lại cũng có uống lai rai. Hồi đó hầu như chỉ thỉnh thoảng nhâu và thường là vào cuối tuần, ít ai say sưa nên không có gì quá đáng, chỉ nhớ có một lần cơ quan phân phối thứ rượu Pháp sản xuất tại Sài Gòn nhớ mang máng cái tên dài thòng “Au de rie de vie”, cùng thằng Hạnh làm chung hai thằng 2 chai mang ra quán uống cùng Vĩnh Châu, một bạn học cũ, rượu lạ lại nồng độ mạnh, ông bạn Châu mạnh rượu và uống đều, vậy mà cũng say khướt, một chiếc xe đạp không biết sao lại chở được cả ba thằng về, một kỷ niệm đã quá lâu mà khó quên.

   Khi vào sống ở Sài Gòn thì thời kỳ này bia vẫn còn xa xỉ, rượu vẫn phổ biến; từ Hà Thủ Ô êm êm chuyển qua rượu đế thật khó khăn, không khác chi đang ngồi với một thiếu nữ dịu dàng bỗng dưng đối diện với một nàng mắt xanh môi đỏ, tình lại nồng đến cháy người, dân nhậu có máu cải lương gọi là “ nước mắt quê hương” lần đầu nghe thật tức cười, dần rồi cũng quen. Sau lại có rượu cây Lý nổi tiếng ngon, hương từ một thứ rượu Pháp, thứ rượu này lần lần cũng biến dạng vì quá nhiều nơi làm giả. Có một thời không biết có anh chàng nào đó, chắc cũng là một kỹ sư sinh hóa nghe đâu gốc quê miền Trung một hôm nổi hứng sáng tạo thứ bia nội hóa bằng nước trái cây lên men, một thời cũng hoành hành trong các quán nhậu nhờ rẽ và có vẽ giống bia nhưng rồi cũng không thọ lâu, bia kiểu gì đôi khi mở ra đã vọt nước ra hết cả chai còn bắn sang cả bàn kế bên, đã mất tiền lại còn xin lỗi gần chết hèn chi còn được gọi là “bia lên cơn”. Còn rất nhiều loại rượu bia phục vụ cho dân lưu linh dưới nhiều hình thức và tên gọi khó hiểu như bia đối chứng, bia kèm mồi..vv…quá nhiều không nhớ nổi. Đến đầu thập niên 90 khi hết khó khăn thì bia chính thức lên ngôi, khống chế gần như toàn bộ và từ đây cái trào lưu ăn nhậu như nước vỡ bờ không gì cản nổi.

   Nói ăn nhậu là phải gắn liền với bạn bè không tách rời được, chính cái không khí cùng bạn bè mới quyết định cái thú của nhậu, ngồi uống không bạn cũng như ngồi xem đá banh một mình, mất sướng thà đừng xem.Bạn bè dù là bạn đồng nghiệp, bạn đời, bạn cũ, bạn gần hay bạn xa thậm chí là bạn quen nơi quán nhậu, khi đã chịu ngồi nhậu với nhau đều như nhau, nơi đây mọi chuyện từ chuyện đời sống, làm ăn, gia đình con cái cho đến văn nghệ văn gừng…đều có đủ, bộc trực, vô tư và khi về là…quên hết, mai lại tiếp. Nhậu nhẹt rồi cũng thành thói quen, có lắm khi hôm qua mệt đến bã người hôm nay lại như quán tính thấy buồn buồn, nhơ nhớ lại đi. Vui thì có vui thật nhưng hung hiểm cũng không thiếu. mình cũng trải qua nhiều bận nhớ đời. Nhớ, thời cùng một nhóm bạn tuần nào cũng đều đặn găp nhau hai lần, có lần nhậu xong vui vẻ như mọi lần sáng mai lại đang ngồi làm việc một thằng gọi điện thoại báo tin, thằng Ph. hôm qua về say sáng vợ gọi thức dậy vừa bước mấy bước té lăn đùng bất tỉnh , chở vào bệnh viện chưa biết sao, khi mình thăm thì nó đã ra đi. Tiển đưa xong cả bọn thất thần ngồi lại, những ly bia không ai uống, cứ nghĩ đến thằng bạn mới hôm kia đang nói cười cụng ly giờ biến mất vĩnh viễn, lần đó cũng là lần cuối cùng ngồi chung với nhau. Lại có một lần mình nhậu xa tận một huyện ngoại thành cách nhà hơn 30 cây số, nửa đêm chạy xe về, đường ngoại ô vắng tanh bất chợt có hai thằng rượt theo, biết chắc là sẽ bị cướp xe hoảng hồn gần như tỉnh rượu chạy trối chết vẫn không thoát nổi, may còn lanh trí thấy được một đồn công an xã liền chạy ào vào, hú hồn lần sau xin chừa không dám nhậu xa; còn thêm biết bao phiền toái rắc rối xảy ra vậy mà vẫn không chừa. Chỉ khi đến một ngày, bất chợt cơ thể bắt đầu lên tiếng trách móc, phản kháng, thoạt tiên là nổi nhớ mỗi chiều nhạt dần, rồi là ly bia uống chậm hơn nghe 100 phần trăm bắt đầu ơn ớn, đứng lên ngồi xuống nặng nề hơn mà lại phải đi nhiều lần, những cô cậu tiếp viên đã bắt đầu thưa chú…là biết đã đang bước vào tuổi vào Thu cây lá bắt đầu héo úa.

   Khi qua xứ người, cái xứ gì nhìn người uống rượu bia như tội phạm, gói thuốc mang trên người phải dấu diếm như dấu vũ khí giết người, thì ăn nhậu với bạn bè chỉ còn là kỷ niệm, cũng có nhưng thưa thớt và nhiêu khê, sau những ngày mệt nhọc mưu sinh những chiều độc ẩm vẫn là chính khi nhớ về bè bạn quê nhà. Giờ thì cũng đã quen, thỉnh thoảng lại rũ vài ông bạn đồng niên ngồi uống túc tắc, nói chuyện túc tắc và cũng ra về túc tắc. Ở đây may vẫn còn thằng bạn cùng uống ly rượu đầu đời với nhau, đến nay cũng đã 40 năm, rượu bia như người tình quá lâu khó lòng đành đoạn chia tay, làm sao mà bỏ được cái người tình muôn tuổi lúc nào cũng đẹp sóng sánh lung linh màu hổ phách, long lanh vàng như nắng Xuân. Ngày cuối năm khi nhớ về một thuở “lưu linh” ngày trai tráng có khác chi cọp nhớ rừng xưa.