NHẠC CỦA MỘT THỜI KỶ NIỆM

Âm nhạc là một lãnh vực mênh mông, nhiều thể loại và nhiều chủ đề, mình không dám lạm bàn, mà có dám cũng không có kiến thức để nói đến. Đây chỉ là tản mạn của một cá nhân về những bản nhạc của một thuở học trò còn ghi dấu ấn đến giờ.

Mình sinh ra và sống năm năm đầu tiên ở quê ngọai, một làng quê khá trù phú một thời êm đềm chưa có đạn bom. Như tất cả người khác âm nhạc đầu đời là qua tiếng mẹ ru bằng những bài hát ru truyền thống địa phương, riêng mình có thêm được là mẹ mình hay ru bằng những bài nhạc tiền chiến như Hòn vọng phu, Lời người ra đi, Lá đổ muôn chiều …,lên ba thì đã lớn rồi nên hết ru nhưng những âm điệu tân nhạc đó đã ăn khá sâu trong tiềm thức. Lên bốn thì cùng các bạn trong xóm vào “đại học chữ to” trong căn phòng của ngôi đình làng do một ông đồ tuổi gần bằng ông ngoại dạy, vì là đình làng nên mỗi khi có tế lễ mình lại được nghe loại nhạc cúng tế với rất nhiều tiếng trống cùng những tiếng hô xướng nghe rất lạ và vui tai. Lại nhớ những buổi trưa hè ra phía sau đình ngóng nhìn đồng ruộng mênh mông, chạy xa tít không thấy làng kế bên, gió thổi rì rào, một thứ âm nhạc thiên nhiên đều đều và buồn buồn sau nầy hình như không bao giờ gặp lại, hoặc có gặp thì không có cái cảm xúc trinh nguyên như thuở ban đầu.

Đầu thập niên 60 thì mình lên Huế ở hẳn với nội học tiểu học. Tuổi đó đã có bạn khá nhiều với những trò chơi trẻ thơ, âm thanh lóc cóc của các viên bi, tiếng lất phất của những con diều hấp dẫn hơn những bản nhạc từ chiếc radio, hơn nữa nhạc thiếu nhi dạo đó cũng không nhiều lắm, mình nhớ chỉ có vài bài như Hè về với “trời hồng hồng…”, Trung thu với “bong trăng trắng ngà..” , vào dịp Tết thì nhạc Xuân rộn rã nhưng chỉ nghe bản nào cũng “Xuân ơi, Xuân hởi...” làm sao hơn nổi cái háo hức của phong lì xì và tiếng nổ đì đùng của pháo. Cho đến một ngày, một ngày sớm muộn thế nào cũng đến, ngày bắt đầu của tuổi dậy thì, khi đã bắt đầu ngượng nghịu lúc nói chuyện, thấy nụ cười răng khểnh, đôi mắt nhìn của cô bạn gái trong lớp khang khác, lòng cảm thấy xôn xao thì đó cũng là lúc sắp chia tay lên trung học, một bước khiến người thấy lớn hẳn. Còn nhớ một buổi trưa khi đi học về, giữa trưa hè yên ắng, một tiếng hát trong vắt, cao vút “ mỗi năm đến hè lòng man mác buồn…” , bất chợt một cảm giác vừa xa vắng vừa nao nao lại vừa khơi gợi một điều không rõ rệt , chỉ biết từ đó một cánh cửa đã mở ra cho một thời đầy luyến ái của thuở học trò kéo dài một khoảng thời gian rất lâu.

Khoảng giữa thập niên 60 dù nhạc tiền chiến vẫn còn hiện diện như những bài thơ Đường, đẹp nhưng quá xưa, dần dần đã có nhiều bản nhạc tình cảm xâm thực mạnh vào thính giác chẳng hạn như “Con đường xưa em đi”, “Phố vắng em rồi”, “Về đâu mái tóc người thương”, “Tôi đưa em sang sông”…tên những bản nhạc dài thòng lê thê như nội dung bản nhạc, bộc lộ quá nhiều điều, nghe thì nghe nhưng nghe cái âm điệu da diết, rầu rầu như để mà nghe chứ làm gì phù hợp với tuổi 13, 14. Thời đó nhạc tình cũng lạ ít thấy niềm vui, chỉ toàn đau khổ với những hình tượng hết sức buồn bã thê lương, người yêu sang sông thì lúc nào trời cũng mưa, mưa âm thầm, ai cũng khóc sụt sùi ngày vu quy, áo cưới chưa mặc thì nàng đã chết, tiếng pháo cưới thì “xé nát tim anh”, may là ở tuổi đó còn ngây thơ bằng không chắc chẳng ai dám yêu; dẫu sao những bản nhạc cũng nói lên có một thời khắc nghiệt, yêu và cưới là một khoảng cách quá xa, ở giữa là những thành kiến và tập quán từ xưa nên chi khi yêu thì sâu nặng biết bao và khi phải chia ly thì cũng đầy đau khổ.

Bắt đầu thập niên 70 thì âm nhạc đã mở ra một trang mới hẳn, khác lạ và đầy màu sắc. Những bản nhạc thoát ly những cái bóng cũ, bằng tài năng các nhạc sĩ đã cho ra đời những tình khúc thậm chí không còn tiếp nối mà như là một khai phá, nhất là lời ca. Ở tuổi mới lớn, bắt đầu với những rung động thực như là một nhu cầu thì những tình khúc này đã làm thăng hoa tình cảm mình biét bao. Với những “Ướt mi”, “Nhìn những mùa thu đi”, “Trên ngọn tình sầu”, “ Những bài không tên”, “ Thà như giọt mưa”, “Vũng lầy của chúng ta” hay “Ngày xưa Hoàng thị”, Đưa em tìm động hoa vàng”…nhiều vô kể đã chen chúc xâm chiếm trái tim trẻ còn đầy mộng mị.

Không biết từ bao giờ hình thành nên hai loại nhạc sang và sến cho dù cái biên giới phân loại đôi khi cũng khá mơ hồ chỉ cảm nhận bằng trực giác. Sự phần biệt đã hình thành nên những thành phần nghe nhạc khác nhau đưa đến tâm lý võ đoán, nghe nhạc sang mới là trí thức hoặc ở tầm cao hơn khiến mình cũng không thoát khỏi cái tâm lý đó, thậm chí một vài bản nhạc mình thích sợ bạn bè chê là sến đành phải giả lơ như không biết. Chẳng hạn nhạc gọi là sang thì mưa không còn rơi âm thầm mà phải là “mưa bay trên tầng tháp cổ”, có sầu thì phải “sầu lên trong nắng”, những trắc trở phải gọi là “vũng lầy của chúng ta”, tình yêu mệt mỏi nhàm chán thì là “tim lăn trên đường mòn”, hạnh phúc qua đi, buồn chán thì như “bầy sẽ nhỏ cũng qua đời lặng lẽ” hay“con dế mèn tự tử giữa đêm sương”, nhớ nhung thì nổi nhớ tính bằng “Biển nhớ”, người xa khuất thì hỏi “ai mang bụi đỏ đi rồi”. còn nghèo thì “nằm trong căm gác đìu hiu”, nếu có may mắn đưa em đi thì đừng “đưa em vào hạ” mà phải “từ quan “ rồi lên tìm “động hoa vàng”, người đến thì gọi là “người từ trăm năm”, thậm chí nàng có đi lấy chồng vẫn còn hỏi “đúng hay sai”, chia tay người yêu thì buồn nói” Ừ thôi em về” tưởng như thản nhiên mà sầu thì xuống đầy, người yêu một thuởi thì gọi là “người đi qua đời tôi”….Sang thì không biết có sang không nhưng quả thật những ngôn từ lạ có, ẩn dụ có đã gây một cảm xúc lạ khác hẳn từ trước.

Giòng nhạc mà hay gọi là nhạc sến thì có rất nhiều bài mình thích, không biết sao chỉ cảm nhận tự nhiên là sến. Phải chăng vì âm điệu não nùng, ủy mị, lời ca quá thành thật, nói hộ cho nhiều người những điều không thể hoặc không nên nói ra. Hãy thử nghe cái chân chất bộc trực “tôi nghèo em cũng chẳng cao sang, tay trắng dệt mộng vàng…” không ai chịu cảm nhận cái đau đớn của cô dâu chưa kịp mặc áo cưới, hoặc cái câu hỏi tự nhiên “đã lâu rồi hai đứa cách đôi nơi tơ duyên xưa còn hay mất”, hay như yêu đến nổi nửa đêm vẫn khuyên nhủ ‘ 0 giờ rồi em ngủ đi em..” hoặc khai báo hồn nhiên “.. .anh hay dắt em về vùng ngoại ô có cỏ bông may”, khi yêu đơn phương thì thản nhiên tự hỏi “chẳng biết mình yêu người ấy bao giờ hay nghĩ gì …”, thậm chí yêu người có vợ lại khuyên răn “anh hãy về đi với vợ hiền và đàn con nhỏ còn ngây thơ”….. Rất nhiều điều đời thường nhạc đã nói hộ những điều muốn nói mà e ngại, vậy mà cứ là nhạc sến tội không, nhưng tội thì tội vẫn cứ thấy là ..sến.

Cứ thế tuổi học trò với những bản nhạc tình đồng hành với những kỷ niệm một thời với những mối tình mới lớn, vui có, buồn có, trắc trở cũng không thiếu. Khi vào đời với những bận rộn lo toan, đôi khi tình cờ chỉ thoáng nghe một bản nhạc lại gợi nhớ ngay đến một người yêu, một người bạn, một kỷ niệm hay là một không gian cũ nào đó. Lan man mãi không đầu không đuôi, đã nhiều thiếu sót lại chủ quan, thôi thì là một chút tản mạn của một thời rất xa đã qua, suy cho cùng nhạc nào cũng không cần biết, cứ đánh động được lòng mình là thích. Mình thấy nhạc không như thơ, thơ dù độ thẩm thấu sâu hơn nhưng cần nghiền ngẫm và khó nắm bắt, nhạc tác động trực tiếp và mạnh mẽ hơn vào tâm hồn. Chỉ với bảy nốt có thể biến hóa đánh phủ đầu mọi cảm xúc, hiệu quả tức thì. Mình có ông bạn rất nghiêm chỉnh và cẩn trọng, sau hơn hai mươi năm xa xứ trở về thăm chốn cũ và bạn bè xưa. Dự định là đi một tháng, chỉ sau dộ hơn hai tuần, một đêm ngồi cùng bè bạn xưa bên giòng sông xưa vớí nhiều kỷ niệm, bất chợt một giọng ca ngọt ngào, tình tứ cất lên “ người ơiiiiiiiiii, biết đêm nay nữaaaa là mấy đêm qua rồi ”, vậy là ông bạn bỏ hết lại đằng sau về ngay với vợ . Thấy chưa.